TẠO ĐỘNG LỰC CHO TRẺ

(Nguồn: Egroup)
Có bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào để có thể tạo điều kiện thúc đẩy con cái mình luyện tập tiếng Anh chưa? Vậy thì hãy làm theo mười lời khuyên sau của chúng tôi nhé!

1/ Nhiệt tình tham gia cùng trẻ

Trước tiên thì bậc phụ huynh cần phải tỏ ra thật thích thú với ngôn ngữ này. Vì nếu trẻ nhìn thấy bố mẹ chúng đọc sách báo, xem phimgiao tiếp bằng tiếng Anh thì ắt hẳn chúng cũng sẽ được truyền cảm hứng để làm điều tương tự. Chủ động tham gia vào những trải nghiệm giao tiếp bằng tiếng Anh của trẻ sẽ tốt hơn rất nhiều thay vì chỉ ngồi đó kỳ vọng chúng sẽ tự giác học tập. Và cũng đừng quên dành thật nhiều lời khen ngợi, động viên và sự ủng hộ cho trẻ nhé vì đó chính là chìa khóa thúc đẩy sự tự tin và động lực cho trẻ đấy! 

2/ Biến những trải nghiệm học tập trở nên vui nhộn và thú vị

Trải nghiệm học tập một ngôn ngữ nào đó luôn cần đến yếu tố thú vị và thoải mái. Sẽ là một ý kiến rất hay nếu bạn thử thêm vài hoạt động vui chơi vào việc luyện tập. Bản thân con trẻ vẫn luôn ưa thích các trò chơi được thiết kế riêng cho các hoạt động luyện nói, luyện nghe từ vựng và ngữ pháp mới. Vậy nên bạn có thể cùng con chơi các trò chơi bằng thẻ bài như Memory, trò chơi đóng vai như Simon says hoặc các trò chơi tương tác trực tiếp như Snakes and ladders.

Tận dụng sự cạnh tranh của con trẻ như một động lực thúc đẩy chúng, ví dụ trẻ nào sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ ít nhất trong suốt quá trình chơi sẽ có quyền chọn lựa trò chơi tiếp theo.

3/ Làm theo tính cách và sở thích của riêng trẻ

Hãy nghĩ về tính cách và sở thích của con trẻ khi gợi ý những phương pháp giúp chúng luyện tập tiếng Anh. Những đứa trẻ vô cùng hiếu động chắc chắn sẽ thích các trò chơi đóng vai, còn đối với những trẻ điềm tĩnh thì những trò chơi ô chữ và thẻ bài ắt hẳn sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn. Nếu đứa trẻ của bạn đặc biệt đam mê thể thao, chúng sẽ rất thích những câu chuyện, trò chơi từ vựng,…liên quan đến thể thao. Bạn có thể chọn một trong số rất nhiều các chủ đề khác nhau được chúng tôi gợi ý trên thư viện của Horizon TESOL.  

4/ Để trẻ tự lựa chọn

Được tham gia vào quá trình chọn lựa là một động lực rất lớn đối với con trẻ. Vậy nên hãy để chúng được quyết định các tình huống, chủ đề,…mà chúng cảm thấy thoải mái khi được học bằng tiếng Anh. Ví dụ, bạn có thể khuyến khích trẻ đọc sách tiếng Anh bằng cách cùng con lựa chọn những cuốn sách tại các thư viện, nhà sách hay trên mạng.

5/ Theo dõi tâm trạng của trẻ

Hãy cố gắng chọn thời điểm thích hợp để khuyến khích con luyện tập tiếng Anh. Chúng nên cảm thấy tỉnh táo và dễ tiếp thu thay vì mệt mỏi và cau có. Đặt quá nhiều áp lực học tập tiếng Anh lên trẻ sẽ khiến chúng dễ bị căng thẳng. Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu mất tập trung và không tỉnh táo sau khi bắt đầu một hoạt động, bạn nên thử lại vào lần sau thay vì cứ ép chúng phải tiếp tục 

(Nguồn: todaysparent)

6/ Thêm vào những tình huống bổ ích

Trẻ nhỏ luôn thích được đóng vai và sử dụng trí tưởng tượng của mình. Bạn có thể gợi ý một vài những tình huống chẳng hạn như tại tiệm đồ chơi, trên xe buýt, tại nhà hàng,…và yêu cầu trẻ lựa chọn. Hãy thay phiên đóng những vai khác nhau, ví dụ như khách hàng và nhân viên, và hỗ trợ về mặt ngôn ngữ cho trẻ khi cần. Nếu chúng sử dụng những cụm từ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì bạn hãy lặp lại lời chúng nói bằng tiếng Anh. Dần dần con trẻ sẽ nói được nhiều phần hơn trong các đoạn hội thoại.

Các tình huống này sẽ đặt trẻ vào vị trí phải sử dụng tiếng Anh ngay lập tức để đáp trả và động lực của chúng từ đó sẽ dâng cao. Hãy làm các tình huống này trở nên bổ ích hơn bằng cách sử dụng những đồ vật sinh động, chẳng hạn như đồ chơi cho tình huống tại tiệm đồ chơi, sắp xếp ghế tạo thành một chiếc xe buýt, kê một cái bàn cho tình huống tại nhà hàng. Tự làm những tấm vé, bảng giá, menu,… sẽ khuyến khích sự tham gia của chúng vào trong các trò chơi. Bạn càng nhiệt huyết với vai diễn của mình bao nhiêu thì đứa trẻ sẽ càng có nhiều động lực hơn bấy nhiêu!

7/ Hỗ trợ bài tập trên trường cho trẻ

Trẻ em thường miễn cưỡng làm bài tập về nhà hay ôn tập cho các bài kiểm tra ở trường. Hãy giúp trẻ xây dựng một thói quen làm bài tập về nhà đều đặn bằng cách gợi ý cho chúng vài lựa chọn về thời gian và địa điểm để học và cố gắng ở bên hỗ trợ và đốc thúc trẻ. Tặng con trẻ những lời khen ngợi cho những cố gắng chúng đã làm thay vì chỉ trích và đe dọa. Điều này sẽ giúp trẻ nâng cao sự tự tin và thái độ tích cực trong việc học. Một đứa trẻ ưa thích học tiếng Anh về bản chất sẽ có thái độ tự giác trong việc luyện tập, cải thiện và học tập.

Đừng ngần ngại trao đổi với giáo viên của trẻ – họ chắc chắn sẽ rất vui khi đưa ra những lời khuyên hỗ trợ trẻ trong việc học tập.

8/ Sử dụng phần mềm và những tài liệu online

Ngay cả những đứa trẻ miễn cưỡng nhất cũng được thúc đẩy học tập bằng cách sử dụng công nghệ mới chẳng hạn như những ứng dụng/phần mềm.Chúng tôi có đưa ra một vài những ứng dụng hay để bạn có thể tham khảo.

Trên internet, có rất nhiều những bài hát, câu chuyện, video, trò chơi và các hoạt động giúp trẻ tận hưởng việc luyện tập tiếng Anh. Ví dụ, nếu trẻ không thích học ngữ pháp, bạn hãy thử đề nghị trẻ sử dụng chuyên mục ngữ pháp của chúng tôi để có những trải nghiệm vui nhộn và thú vị hơn trong việc luyện thập và cải thiện.

9/ Chia sẻ trải nghiệm

Chia sẻ trải nghiệm học tập với các thành viên trong gia đình và bạn bè sẽ đốc thúc đứa trẻ của bạn. Khuyến khích trẻ giúp đỡ em của mình trong việc luyện tập tiếng Anh. Gánh vác một chút trách nhiệm sẽ là một động lực vô cùng to lớn.

Vậy thì tại sao lại không chọn một bộ phim tiếng Anh và mời thêm một vài người bạn hay các thành viên trong gia đình đến xem cùng trẻ? Thử sắp xếp ghế trong phòng khách để biến đó trở thành một rạp phim nhỏ cũng là một ý hay đấy! Làm những tấm thiệp mời và vé xem phim sẽ cho trẻ nhiều cơ hội luyện tập kĩ năng viết và làm cho trải nghiệm học tập này trở nên thú vị hơn.

Rất nhiều trẻ thích được biểu diễn. Bạn có thể gợi ý chúng tự đóng một vở kịch hay chương trình múa rối hoặc hát một vài bài hát tiếng Anh cho cả gia đình. 

10/ Tạo điều kiện giúp trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh

Tìm ra một lý do hợp lý để giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ đẩy động lực của trẻ lên cao hơn nữa. Nếu có thể, bạn hãy tìm một hội nhóm nói tiếng Anh tại khu vực hay các hoạt động dành riêng cho trẻ bằng tiếng Anh. Khuyến khích trẻ tự viết email, thư từ hoặc postcard cho một người bạn nói tiếng Anh hay một thành viên trong dòng họ.


Tìm hiểu thêm khóa đào tạo kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại đây.

DMCA.com Protection Status