“Thầy giáo của tụi con trông lúc nào cũng căng thẳng. Thầy hay la mắng tụi con. Con mong thầy có thể bình tĩnh hơn và không trút giận lên tụi con nữa.”
Đó là lời chia sẻ mà chúng ta thường hay nghe được từ những đứa trẻ đang gặp khó khăn trên lớp. Trẻ con khi đi học có thể nhận biết được tâm trạng của những thầy cô dạy chúng. Chúng cũng có thể nhận ra được tầm quan trọng của việc giữ cho mình một thể trạng tốt và có thể tiết chế sự căng thẳng trong quá trình học tập. Vậy liệu người lớn chúng ta có thể làm điều tương tự?
Giáo viên chúng ta thường rất quan tâm đến thể trạng của những học sinh trong nhà trường. Nghĩa vụ của chúng ta là chăm sóc cho chúng thật chu đáo. Thế nhưng, chúng ta lại ít khi nghĩ về thể trạng của chính bản thân mình, cho đến nó trở nên tệ hơn và khiến ta đổ bệnh. Từ đó gây nên một tình cảnh rất trớ trêu, khi những con người làm công việc chăm sóc người khác lại không biết cách chăm sóc chính bản thân mình.
Chăm sóc tốt bản thân là một việc vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ quản lý tốt được những học sinh khi chúng ta biết cách quản lý tốt chính mình. Bọn trẻ đến trường mỗi ngày và ít nhiều làm những việc như nhau. Sẽ có ngày chúng thể hiện tốt hơn, và có ngày chúng thể hiện tệ hơn đôi chút. Điều làm nên sự khác biệt ở đây chính là cách những người lớn cư xử xung quanh chúng. Vậy nên, việc dành một chút thời gian để tiết chế sự căng thẳng của bản thân là vô cùng cần thiết để giúp ta giảng dạy hiệu quả, cũng như để làm gương giúp học sinh biết cách tiết chế căng thẳng trong học tập.
1/ Cảm xúc của giáo viên cũng rất quan trọng!
Hãy dành một ít thời gian để nhớ lại những cảm xúc của bạn trong ngày hôm qua, từ lúc bạn thức dậy cho đến thời điểm bạn lên giường ngủ. Bạn có nhận thấy điều gì không? Đó chính là một chuỗi những cảm xúc ào ạt, mãnh liệt, có thể thay đổi trong tích tắc, lên xuống như một chuyến đi tàu lượn siêu tốc vậy. Bạn có thể đang chìm dưới đáy vực tuyệt vọng một phút trước, rồi bỗng chốc phấn chấn ngay sau đó. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Công việc giảng dạy đòi hỏi bạn phải tốn cả ngày để xử lý với những đứa trẻ và những dao động cảm xúc mãnh liệt của chúng, và cũng như cố gắng giúp đỡ tất cả mọi người xung quanh. Công việc này đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt rõ những mối quan hệ xung quanh trong một môi trường giáo dục căng thẳng. Sẽ xảy ra những cảm xúc tiêu cực tới mức khiến chúng ta rất khó kiểm soát được. Những cảm xúc ấy sẽ ảnh hưởng xấu đến cả hai quá trình giảng dạy và học tập.
2/ Vậy điều gì gây ra những cảm xúc tiêu cực?
Sau đây là những nguyên nhân chính gây nên những cảm xúc tiêu cực và cản trở quá trình giảng dạy và học tập của chúng ta:
Chúng ta luôn cố gắng tỏ ra hoàn hảo. Chúng ta thường dạy học sinh rằng: mắc sai lầm là một điều tốt, bởi ta có thể rút ra được nhiều bài học từ nó. Thế nhưng, ta lại bắt gặp phải nhiều giáo viên cứ chạy theo sự hoàn hảo tuyệt đối trong công việc và cuộc sống của họ. Họ dễ dàng cảm thấy bức bối, thất vọng khi giáo án không đi đúng theo kế hoạch, hay khi học sinh không hiểu rõ bài giảng. Đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân luôn là một điều tốt, nhưng việc chạy theo sự hoàn hảo thì mặt khác lại là một hành động nguy hiểm. Việc này cũng không phản ánh đúng bản chất của việc học, bởi chúng ta chỉ rút ra được bài học nào đó sau khi chúng ta phạm phải sai lầm.
Chúng ta luôn cố gắng quá mức. Giáo viên là những người lao động cần cù, luôn cố gắng thể hiện tốt hơn trong công việc. Nếu học sinh không hiểu bài, chúng ta sẽ dành thêm thời gian để soạn lại bài giảng. Nếu chúng ta chưa hoàn tất những việc được giao, chúng ta sẽ cố gắng thức khuya hơn để hoàn thành chúng. Thế nhưng, đôi lúc chúng ta lại phí thời gian để làm những việc không đáng. Ví dụ như việc thức khuya để soạn lại một giáo án không tốt, và điều đó khiến chúng ta mệt mỏi và không thể hiện tốt trên lớp vào hôm sau, và rồi chúng ta lại nảy sinh ra thêm nhiều vấn đề mới. Điều này tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn, không đáng có.
Chúng ta luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Giáo viên không thích khiến người khác thấy thất vọng. Vì lẽ đó, ta vẫn cố đến lớp dù đang mắc bệnh, không dám thừa nhận đang gặp khó khăn trong lớp với đồng nghiệp, hay bỏ lại đằng sau những vấn đề cá nhân hay gia đình. Việc chứng minh mình là một hình mẫu đáng tin cậy là điều cần thiệt. Thế nhưng, khi chúng ta cứ kiên quyết tỏ ra mạnh mẽ, chúng ta sẽ bỏ qua những nhu cầu thiết yếu của bản thân và từ đó tạo nên những áp lực vô hình. Đó là lý do tại sao nhiều giáo viên lại đổ bệnh mỗi khi đến kì nghỉ. Chúng ta cần phải biết đâu là điểm dừng của chính mình.
Vậy nên, hãy tự thay đổi suy nghĩ của chính mình:
Thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo, ta nên tự nhận thức rằng lỗi lầm cũng là một điều tích cực.
Thay vì cố gắng quá sức, ta nên thử những cách khác biệt nhưng hiệu quả hơn.
Thay vì cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, ta nên quyết định sống như một con người bình thường.
3/ Hãy lên những chiến thuật điều tiết sự căng thẳng
Khi chúng ta quá căng thẳng và mệt mỏi, chúng ta không thể suy nghĩ hay giảng dạy trong trạng thái tốt nhất được. Vậy nên, chúng ta cần những chiến lược hợp lí để nhận thức và kiểm soát tốt thể trạng của mình.
4/ Sau đây là một số chiến thuật có thể áp dụng trong thực tế:
Chỉ tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình:
Chúng ta thường thích kiểm soát mọi thứ, và tốn nhiều thời gian lên kế hoạch để đảm bảo rằng lớp học của mình sẽ diễn ra trơn tru. Tuy nhiên, không ai có thể kiểm soát tất cả mọi việc trên đời được, nhất là trong môi trường trường học chứa đầy những ẩn số như con người, sự việc mà ta không thể ngờ tới. Và đó những thứ khiến chúng ta căng thẳng
Hãy ngồi suy nghĩ và lên một danh sách những điều khiến bạn căng thẳng. Sau đó chia chúng thành hai dạng: dạng những điều vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của bạn và dạng những điều bạn không thể kiểm soát. Hãy tập trung thực hiện những thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn và để những thứ còn lại sang một bên.
Hãy trở thành người bạn thân của chính mình:
Tự thúc đẩy và tạo động lực cho bản thân một kỹ năng quan trọng. Bạn sẽ nói gì với bạn thân mình khi người ấy đang gặp khó khăn? Chắc chắn bạn không thể chê họ là một giáo viên lạc hậu, vô dụng rồi. Thế thì tại sao mình lại tự nói với bản thân mình như thế. Hãy tự nói chuyện với chính mình như cách bạn luôn an ủi bạn thân của bạn vậy.
Ghi lại 6 điểm nhấn tích cực trong ngày của bạn:
Não của chúng ta thường có xu hướng chú trọng vào những điều tiêu cực trong ngày: như những vấn đề xảy ra trong lớp hay những đồng nghiệp bất đồng quan điểm với ta.
Hãy tự tập cho bản thân thói quen nhìn ra những điều tích cực. Vào cuối ngày, hãy viết ra được 6 điều tích cực mà bạn nhận thấy trong ngày. Mỗi điều tích cực ấy có thể chỉ nhỏ nhoi thôi, nhưng lại hình thành cho ta cách nhận biết cách mọi vật xung quanh ta vận hành và tận dụng tối đa từ chúng.
Hãy tự giảm tải một cách an toàn:
Hãy có cho mình những người bạn hay đồng nghiệp có thể hỗ trợ ta khi cần. Vì thi thoảng bất kì ai trong chúng ta cũng phải cần ai đó để tâm sự. Nhưng hãy cẩn thận và chọn những người biết cách lắng nghe và làm rõ điều bạn cần từ họ. Nếu ta chỉ nói muốn nói ra thôi để giải tỏa nỗi lòng nhưng người đối diện lại cứ cố cho lời khuyên, nó sẽ phản tác dụng. Chúng ta sẽ cảm thấy nặng nề hơn trước nữa!
Hãy học cách từ chối:
Giáo viên thường không giỏi trong việc từ chối nhiệm vụ. Việc hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp là vô cùng cần thiết trong việc thúc đẩy môi trường làm việc hiệu quả, nhưng nếu bạn liên tục cảm thấy bị quá tải, nó sẽ gây ra cho bạn những cơn căng thẳng. Cho nên bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đã đi quá giới hạn của bản thân, hãy chọn cách từ chối một cách lịch sự.
Và cuối cùng,…
Hãy luôn nhớ rằng học sinh sẽ nhớ đến những giáo viên tràn đầy năng lượng tích cực và luôn truyền cảm hứng, cũng như những giáo viên hay tỏ ra căng thẳng và không tận hưởng công việc giảng dạy. Vì vậy, hãy luôn giữ động lực cho bản thân nếu bạn muốn giữ cho học sinh của mình được cảm thấy truyền động lực.
Tìm hiểu thêm khóa đào tạo kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại đây.