Thật khó để đánh giá kỹ năng đọc hiểu của học sinh chỉ bằng việc lắng nghe các em đọc các tài liệu (như tin tức, truyện tiểu thuyết, bài đăng trên blog,v.v..). Nhiều em có khả năng phát âm tốt, nhưng không có nghĩa là các em hiểu hết nội dung bài viết. Vậy làm thế nào để cải thiện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh?
4 cách cải thiện khả năng đọc hiểu tiếng anh
Việc sử dụng những cách dưới đây sẽ giúp học sinh của bạn học nhanh hơn và cải thiện kỹ năng này theo thời gian.
Mục tiêu là giúp các em hiểu tiếng anh hơn là dành thời gian để dịch tiếng anh sang tiếng việt.
1. Đọc lướt qua văn bản
Trước khi cho học sinh đọc hiểu, hãy yêu cầu các em đọc lướt qua văn bản để nắm được ý chính của bài báo hoặc câu chuyện mà sẽ đọc.
Bạn cần phải hướng dẫn các em cách để đọc nắm ý. Hãy dùng máy chiếu hoặc bảng trắng để có thể chiếu nội dung bài báo. Các em sẽ đọc nhanh các tiêu đề và các gạch đầu dòng để nắm ý chính.
Để luyện tập kỹ năng này, hãy cho học sinh một đoạn văn bản để đọc lướt nội dung. Sau đó, bạn hãy hỏi các em về nội dung của bài báo hay câu chuyện. Yêu cầu các em chỉ ra các từ khóa quan trọng cần lưu ý.
2. Tra cứu các từ mới
Chắc chắn trong khi đọc sẽ có những từ mà học sinh không biết. Yêu cầu các em đánh dấu hoặc viết những từ đó xuống để tra cứu trong từ điển.
Đối với học sinh ở trình độ trung cấp, yêu cầu học sinh cố tra từ vựng bằng từ điển tiếng anh thay vì từ điển anh việt.
3. Kiểm tra
Bạn hãy đặt những câu hỏi và yêu cầu các em tìm ra câu trả lời trong khi đọc.
Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý cho bạn:
- Nhân vật chính cảm thấy thế nào?
- Câu chuyện diễn ra ở đâu?
- Sự việc diễn ra khi nào?
- Nội dung chính của câu chuyện là gì?
- Nhân vật chính trông như thế nào?
4. Cho học sinh viết ra câu hỏi
Trong quá trình đọc, các em nên viết xuống những gì mình không hiểu hoặc tò mò muốn biết. Sau khi cả lớp đọc xong bài, các em sẽ đọc to câu hỏi cho cả lớp và thảo luận cùng nhau. Nếu có một thành ngữ mà bạn nghĩ là sẽ có em không hiểu, hãy xem thử có em nào biết và mời em đó giải thích.
Các hoạt động đọc hiểu cho học sinh ESL ở trình độ trung cấp
Học sinh cần học cách nhanh chóng nắm bắt thông tin trong quá trình đọc. Đây là điều thiết yếu mà các em cần luyện tập để đạt được.
Truyện giả tưởng – phi giả tưởng
Cả hai thể loại này đều có mặt lợi và mặt bất cập. Có lẽ ở trình độ này, học sinh sẽ lựa chọn việc đọc các tiểu sử hơn là tiểu thuyết. Trong nhiều trường hợp, học sinh sẽ dùng sách giáo khoa, sách nấu ăn hoặc các loại sách hướng dẫn khác hơn là tiểu thuyết hoặc truyện. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn nếu như các em được đọc nhiều thể loại khác nhau.
Nếu như bạn chọn thể loại phi giả tưởng, hãy tìm kiếm các bài báo, tạp chí hoặc các bài viết trên mạng cho các em. Hoặc bạn có thể yêu cầu học sinh tìm kiếm những video thú vị và chiếu cho cả lớp xem. Lưu ý hãy lựa chọn những bài viết tương ứng với trình độ của lớp.
Lựa chọn văn bản phù hợp
Học sinh ở trình độ trung cấp có thể đọc hiểu được các đoạn văn khó hơn, với nhiều từ mới hơn. Hãy lựa chọn văn bản giúp các em cải thiện kỹ năng đọc hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc các em có thể đọc lướt nhanh văn bản và lựa chọn thông tin.
Hãy bỏ qua những bài viết có nội dung không phù hợp. Hãy chọn những bài báo phù hợp và đơn giản. Tốt nhất là hãy chọn những bài viết dành cho học sinh ESL.
Lưu ý lựa chọn nội dung có liên quan. Bạn có thể lựa chọn những bài báo về thức ăn hoặc những câu chuyện thú vị khác mà các em muốn đọc.
Kiểm tra nhanh
Cách tốt nhất để kiểm tra các em hiểu bài đến mức nào là đặt câu hỏi. Hãy đặt câu hỏi về những điểm chính của câu chuyện, và đừng quên hỏi những chi tiết. Thường thì các em sẽ chỉ chú ý đến những ý chính, mà bỏ qua những chi tiết nhỏ.
Sử dụng công cụ bảng tính
Bạn có thể dễ dàng tạo ra một trang tính trên mạng Internet. Nếu bạn đang phụ trách một lớp học lớn, thật khó để đánh giá được khả năng đọc hiểu của các em bằng cách đặt câu hỏi.
Tất cả những gì bạn cần là cài đặt Microsoft Word (phần mềm soạn thảo văn bản) hoặc một công cụ soạn thảo khác.
Hãy viết xuống những câu hỏi mà bạn muốn hỏi các em và chừa khoảng trống cho các câu trả lời. Yêu cầu học sinh ghi tên để bạn dễ dàng đánh giá.
Vẽ bản đồ
Nếu học sinh bạn đang đọc bài viết miêu tả một căn phòng hoặc sách hướng dẫn đi đến một địa điểm nào đó, thì vẽ bản đồ là hoạt động hay mà bạn nên sử dụng. Sau khi đọc xong, cả lớp sẽ vẽ các bản đồ. Tiếp đó, bạn hãy treo các bản đồ lên trên tường và cho các em cùng đánh giá bản đồ nào vẽ đúng nhất.
Một khi các em hoàn thành các bản đồ, bạn có thể vẽ một cái bản đồ lên trên bảng đen trong khi thu thập thông tin từ các em. Ví dụ, các em có thể chỉ ra vị trí của những món đồ nội thất trong phòng. Hoặc trả lời các câu hỏi như ở phía bắc công viên có gì.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng công cụ Google Maps để các em vẽ các tuyến đường.
Làm theo hướng dẫn bằng văn bản
Đây là cách hay khác giúp học sinh thực hành khả năng đọc hiểu của mình.
Khi lớp học vừa mới bắt đầu, bạn hãy viết hướng dẫn lên bảng. Đưa ra quy định là không được nói và chỉ viết mọi thứ ra giấy. Học sinh sẽ phải làm theo hướng dẫn của bạn.
Ngoài ra, hãy thử làm một bài kiểm tra đọc hiểu vui nhộn với một hoạt động. Cung cấp cho học sinh một công thức để làm theo nhóm hai hoặc ba người. Hoặc yêu cầu các em xây dựng một cái gì đó và chỉ thảo luận bằng cách viết ra. Cả lớp sẽ có những tràng cười sảng khoái vì những lỗi sai của mình. Đây cũng là một cách trực quan để xem liệu các em có hiểu những gì mình đọc hay không.
Bạn cũng có thể yêu cầu học sinh viết ra một vài đoạn văn giải thích cách làm điều gì đó, và sau đó trao đổi với một học sinh khác. Mỗi học sinh sẽ phải làm theo hướng dẫn của bạn mình hoàn thành nhiệm vụ.
Đọc, đọc, đọc!
Bước tiếp theo là cho cả lớp cùng đọc! Hãy chọn một bài viết vui nhộn và thú vị cho cả lớp đọc.
Nếu trong lớp, có một vài em nhỏ tuổi hơn các em khác, bạn có thể cho các em bài tập về nhà. Bạn có thể dùng những gợi ý bên trên để tạo ra các bài tập hứng thú cho các em.
Thanh Tuyền lược dịch từ Fluentu
Tham khảo các khóa học tại đây.