10 HÀNH VI TRONG LỚP HỌC LÀ DẤU HIỆU CỦA CHẤN THƯƠNG TÂM LÝ

Gần nửa số trẻ em ở Hoa Kỳ đều trải qua ít nhất một dạng chấn thương tâm lý nghiêm trọng ở tuổi thơ ấu. Được biết, con số này đã lên đến gần 35 triệu trẻ em. Thậm chí, đáng báo động hơn, gần 75% trẻ em ở độ tuổi từ 12- 17 đã chịu đựng 2 hoặc nhiều dạng chấn thương. Những tổn thương tâm lý thuở nhỏ có tác hại khôn lường lên tinh thần và thể chất của tuổi trưởng thành. Hơn nữa, nó góp phần “định hình” cách cư xử của trẻ em tại lớp học.

Theo nghiên cứu, chấn thương tâm lý “tái tạo” bộ não người bệnh, hình thành một lớp “vỏ bọc” bảo vệ. Điều này đôi lúc khiến trẻ có những hành vi phản ứng tiêu cực và khó nắm bắt. Tôi đã dành cả thập kỷ qua để làm việc với những đứa trẻ bị tổn thương và gia đình chúng tại bối cảnh lớp học. Ngoài ra, là mẹ nuôi của nhiều trẻ em tại trung tâm trẻ mồ côi, cuộc sống của tôi xoay quanh việc tìm hiểu hậu quả của chấn thương tâm lý tuổi thơ. Tôi hy vọng thông tin này sẽ giúp ích bạn nhận ra vài dấu hiệu của học sinh mắc bệnh trong lớp học.

Đây là một số hành động phổ biến trong lớp học và được cho là biểu hiện của sự “lề mề” trong học tập. Tuy nhiên, chúng vốn dĩ là hệ quả của chấn thương tâm lý:

1/ Xúc phạm hoặc bắt nạt người khác:

Có thể bạn đã nghe qua cụm từ “hurt people hurt people” (những người bị tổn thương lại làm tổn thương người khác). Đây là miêu tả chính xác cho trẻ bị chấn thương tâm lý. Chúng có thể gây gổ với bạn bè (thậm chí là thầy cô, nhân viên cứu trợ, và quản lý nhà trường) bằng lời nói hoặc hành động.

2/ Trộm cắp:

Bà Kathy Haddock từ Hội Giáo viên phòng chống chấn thương tâm lý chia sẻ rằng “Trẻ con trộm đồ để thích nghi trong ‘chế độ sinh tồn’”. Theo đó, một trong những lý do giải thích cho việc trộm cắp của học sinh chính là nhu cầu an toàn cần thiết của chúng. Chẳng hạn như trẻ ăn trộm thức ăn bởi vì đã chịu cơn đói hành hạ hay thiếu thốn vật chất; hoặc chúng muốn hòa nhập với bạn bè ở trường.

3/ Nói dối:

Theo bà Haddock – mẹ nuôi của nhiều trẻ em, nói dối cũng là triệu chứng cho thấy trẻ em đang trong “chế độ sinh tồn”. Nỗi lo sợ đằng sau việc nói dối của học sinh chính là hậu quả khi chúng thành thật. Đôi lúc việc bịa ra một câu chuyện thì dễ dàng hơn là đối mặt với sự thật. Trẻ có thể nói dối về vài điều nhỏ nhặt và trộm cắp những thứ vặt vãnh nhưng bạn cũng nên nhớ rằng, chấn thương tâm lý xây dựng lại bộ não và gây ảnh hưởng đến tư duy logic của trẻ mắc bệnh.

4/ Cảm thấy ốm yếu:

Chấn thương tâm lý có thể dẫn đến chán ăn, mất ngủ, mệt lả, đau đầu, và các chứng bệnh khác. Chính vì vậy, học sinh bị sang chấn  thường hay nghỉ học, luôn đến phòng y tế hoặc có vẻ mất tập trung trong giờ học.

5/ Những phản ứng cảm xúc bất ngờ:

Tổn thương tâm lý gây khó khăn để điều chỉnh cảm xúc. Trong lớp học, trẻ mắc bệnh có những “cơn bùng phát” bất ngờ như giận dữ, khóc hay cười điên loạn.

6/ Hành vi gây rối:

Khi môi trường sống quá áp lực sẽ tạo ra nhiều căng thẳng cho trẻ em. Điều này đôi khi hình thành tâm lý bất ổn, có khuynh hướng gây rối. Vì vậy, một lớp học yên tĩnh, nề nếp hay trật tự có thể không phải là nơi lý tưởng cho học sinh mắc bệnh.

7/ Vấn đề về trí nhớ:

Bà Haddock chia sẻ rằng “Đối với bệnh nhân chấn thương tâm lý, thời gian trở nên kỳ quặc và thông thường, họ có xu hướng mất trí nhớ.

8/ Chủ nghĩa cầu toàn:

Một số học sinh bị chấn thương luôn cố gắng hoàn thành mọi việc thật hoàn hảo. Chúng trở nên cực đoan và xem sự cầu toàn như là “kỵ sĩ” bảo vệ chúng. Vì vậy, khi không đạt được yêu cầu, chúng trở nên lo lắng và thất vọng.

9/ Khó khăn để tiếp thu thông tin:

Bà Haddock nhận xét rằng “ Đôi khi trẻ có quá nhiều mối bận tâm chiếm lĩnh cuộc sống, vì vậy chúng không còn tâm trí để nhồi nhét kiến thức mới”.

10/ Khép mình hay sống hướng nội:

Trong khi một số trẻ trút hết sự tổn thương ra bên ngoài, một số khác lại trở nên dồn nén, khép kín hơn. Chúng dường như thờ ơ, nhút nhát, lãnh đạm hoặc rụt rè. Ngoài ra, chúng cũng không tập trung.

Đây là những biểu hiện của học sinh bị chấn thương tâm lý. Vậy cách nào hiệu quả để giáo viên giúp chúng vượt qua nỗi đau, đồng thời xây dựng một lớp học lý tưởng cho mọi học sinh học tập và phát triển? Bà Colleen Wilkinson từ tổ chức giáo dục cho học sinh bị sang chấn- người đã cống hiến cả sự nghiệp để nghiên cứu chấn thương tâm lý và dành thời gian tới nhiều nơi để tập huấn giáo viên có chia sẻ một số mấu chốt như sau để xây dựng môi trường học tập lành mạnh và tích cực:

  • Cách nhìn nhận học sinh mắc bệnh: “Trẻ em bị chấn thương bản thân là những “chiến sĩ” sinh tồn và không cần thương hại. Chúng có thể cần “cố vấn” để điều chỉnh hành vi phù hợp ở trong và ngoài lớp học. Các bạn hãy nhớ rằng chúng là con người và chúng luôn cố gắng với mọi khả năng tại thời điểm đó”.
  • Tập trung vào mối quan hệ với học sinh: “Quan hệ là chìa khóa xây dựng niềm tin, sự phát triển và cuối cùng là sự thay đổi trong hành vi”.
  •  Hiểu rõ sang chấn tâm lý thuở ấu thơ: “Hãy ghi nhớ rằng: tùy vào thời điểm, học sinh sẽ chịu những tổn thương nhất định về  tâm lý. Vì thế, chúng ta cần cải thiện phương pháp giảng dạy, ưu tiên biện pháp phòng ngừa chấn thương tâm lý và xây dựng môi trường học lành mạnh, tích cực”.

Hãy nhớ rằng cốt lõi vấn đề khi trẻ em phản ứng “thái quá” chính là để “chống trả” lại những điều tồi tệ xảy ra. Đừng chấp nhặt những hành vi mang tính thách thức của con trẻ mà thay vào đó, hãy thử nhủ rằng có thể học sinh của bạn đang chịu đựng tổn thương tâm lý nào đấy. Bạn chỉ cần đơn giản là tập trung vào phương cách kết nối với trẻ thay vì bày tỏ sự thất vọng với chúng.

Tìm hiểu thêm khóa đào tạo kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại đây.

DMCA.com Protection Status