NHỮNG SAI LẦM DỊCH THUẬT CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN THẾ GIỚI

Khi dịch một văn bản, rất ít người nghĩ đến việc một bản dịch kém có thể gây ra sự hiểu lầm lớn thế nào. Chỉ đến khi một lỗi nghiêm trọng làm sai lệch hoàn toàn thông điệp cần được truyền tải thì người ta mới nhận ra tầm quan trọng của một bản dịch chất lượng và tỉ mỉ. Trên thực tế, chỉ một sai lầm trong dịch thuật cũng có thể tác động xấu đến sức khỏe của bệnh nhân hoặc khiến một doanh nghiệp chịu tổn thất lớn về tài chính. Dưới đây là một số sai lầm dịch thuật nổi tiếng và những ảnh hưởng tiêu cực của các bản dịch kém chất lượng.

Ý tưởng về người sao Hỏa bắt nguồn từ một sai lầm dịch thuật

Lỗi dịch thuật này xuất hiện vào năm 1877, khi nhà thiên văn học người Ý Giovanni Schiaparelli quan sát được các canali trên sao Hỏa. Nhiều năm sau, từ này được hiểu là kênh đào, hoặc hệ thống tưới tiêu, khiến các nhà khoa học cho rằng để xây dựng được những con kênh như vậy thì chắc chắn là có sự sống trên sao Hỏa. Tuy nhiên, từ canali trong tiếng Ý chỉ đơn giản là một từ chung để mô tả các kênh đào có trong tự nhiên và không nhất thiết phải do con người xây dựng. Mặc dù sau này người ta nhận ra đây là một sai lầm dịch thuật nhưng các nhà khoa học vẫn không hết hoài nghi về khả năng có sự sống trên sao Hỏa.

Một sai lầm dẫn đến cảnh báo giả về an ninh quốc gia

Ngày 18 tháng 11 năm 1956, một minh chứng cho thấy bản dịch chất lượng có tầm quan trọng thế nào với một quốc gia. Hôm ấy, thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đã có tuyên bố bằng tiếng Nga và khi dịch sang tiếng Anh lại thành “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông”. Giữa giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ xem tuyên bố này là một lời đe dọa tấn công hạt nhân nghiêm trọng. Mặc dù những lời này mang ý nghĩa là một lời cảnh báo nhưng đây là không phải là một lời de doạ đáng lo ngại như những gì phía Hoa Kỳ nhận thấy. Nếu dịch sát nghĩa hơn, tuyên bố trên thực chất có nghĩa là, “Chúng tôi sẽ sống lâu hơn các ông” hoặc “Chúng tôi sẽ tham dự đám tang của các ông”.

Sai lầm đáng xấu hổ của phiên dịch viên tổng thống Jimmy Carter

Khi Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter công du đến Ba Lan vào năm 1977, phiên dịch viên của ông đã mắc phải một số lỗi dịch thuật đáng xấu hổ. Tổng thống Carter đã nói, “Khi tôi rời Hoa Kỳ” nhưng phiên dịch viên của ông, Steven Seymour lại chuyển ngữ sang tiếng Ba Lan thành “Khi tôi từ bỏ nước Mỹ”. Và tình huống còn trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Mỹ đề cập đến “những mong muốn cho tương lai của Ba Lan”, phiên dịch viên này đã dịch sai thành “những ham muốn trong tương lai”. Steven Seymour biết tiếng Ba Lan, nhưng thật không may cho ngài Tổng thống bởi phiên dịch viên này không thành thạo trong việc dịch ngôn ngữ này một cách chuyên nghiệp. Sai lầm này cho thấy việc sử dụng các chuyên gia ngôn ngữ là người bản ngữ của cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích quan trọng như thế nào trong các sự kiện trang trọng.

Một sai lầm trong dịch thuật y khoa gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân

Một trong những sai sót dịch thuật y khoa nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 1980, khi Willie Ramirez, 18 tuổi, được đưa đến bệnh viện Nam Florida trong tình trạng hôn mê. Gia đình anh ta đã giải thích bằng tiếng Tây Ban Nha với các nhân viên y tế rằng Ramirez bị intoxicado, có nghĩa là anh ta đã nuốt phải chất độc. Tuy nhiên, phiên dịch viên đã hiểu lầm thành tình trạng say rượu, khiến các bác sĩ chữa trị cho Ramirez theo liệu trình chữa trị ngộ độc rượu. Vì Ramirez đang trong tình trạng xuất huyết não, sự chậm trễ trong việc điều trị khẩn cấp đã khiến anh ta bị liệt tứ chi. Gia đình anh sau đó đã khởi kiện bệnh viện và được bồi thường 71 triệu đô la.

Khẩu hiệu quảng cáo gửi đi thông điệp sai

Thành công của một chiến dịch marketing quốc tế bắt đầu từ một bản dịch chính xác. Đây chính là điều mà Ngân hàng HSBC đã học được sau bao khó khăn vào năm 2009. Vào thời điểm đó, ngân hàng đã có một khẩu hiệu phổ biến, “Assume Nothing (Đừng vội kết luận gì cả)”, nhằm truyền tải chiến lược đầu tư của họ đến các khách hàng người Anh. Thật không may, khi họ tung chiến dịch quảng cáo cùng với khẩu hiệu ở các thị trường quốc tế, cụm từ này đã bị dịch nhầm thành “Do Nothing (Đừng làm gì cả)”. Để sửa lại thông điệp, ngân hàng đã chi 10 triệu đô la cho một đợt quảng cáo được đổi thương hiệu với khẩu hiệu gây được tiếng vang tại các thị trường mới.

Sai lầm dịch thuật khiến Nhật Bản tổ chức Ngày lễ tình nhân hai lần

Nếu bạn thích Ngày lễ tình nhân, tại sao không tổ chức lễ hai lần? Đó là những gì đang xảy ra ở Nhật Bản bắt nguồn từ một sai lầm dịch thuật vào những năm 1950. Thấy được sự thành công của Ngày lễ tình nhân ở Hoa Kỳ, một giám đốc điều hành tại công ty sô-cô-la Morozoff đã quyết định phổ biến ngày lễ này đến người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, vị giám đốc này không hiểu rằng sô-cô-la được tặng vào ngày này vốn dĩ là dành cho phụ nữ. Vì chịu ảnh hưởng của chiến dịch quảng cáo từ công ty và sai lầm dịch thuật này, phụ nữ Nhật Bản nghĩ rằng họ phải tặng sô cô la cho bạn trai thay vì ngược lại. Phong tục này vẫn tiếp tục cho tới ngày nay ở Nhật Bản, nhưng Ngày lễ tình nhân trắng (14/3) đã được ấn định thêm là ngày mà nam giới tặng quà đáp lễ cho bạn gái của họ.

Những sai lầm trong dịch thuật nhiều lúc bị lơ đi và bỏ qua tuy nhiên chúng có thể mang lại những tổn hại to lớn. Để đảm bảo có trong tay bản dịch tốt nhất, hãy hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ chuyên nghiệp để đảm bảo độ chính xác, cũng như cung cấp ngữ cảnh văn hóa cho tài liệu được dịch. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng kí các khóa học Biên Phiên dịchTrung tâm Ngoại ngữ Báo chí để nhận được hướng dẫn từ các chuyên gia dịch thuật để nâng cao trình độ chuyên môn của mình.

Ngọc Anh lược dịch từ https://www.ulatus.com/translation-blog/famous-translation-mistakes/

DMCA.com Protection Status