Dù là ở bán cầu Bắc hay bán cầu Nam thì cũng luôn tồn tại một điểm chung giữa cộng đồng giáo viên ở mọi nơi. Đó chính là nỗi bồn chồn trước mỗi học kỳ mới. Và chúng ta đều biết rằng giáo viên lo lắng nhất là khi họ mới bước chân vào nghề.
Bạn có quen ai là giáo viên mới vào nghề không? Có lẽ bạn cũng mới chân ướt chân ráo bước vào giảng đường chăng? Để giúp bạn bớt bồn chồn và có một khởi đầu tốt đẹp khi bắt đầu năm học mới, với một đầu óc minh mẫn và tinh thần sáng suốt, chúng tôi đã soạn sẵn những mẹo hay dưới đây.
Khởi đầu rõ ràng
Ngay từ khi mới bắt đầu, bạn hãy: đặt ra những yêu cầu cao, nêu ra những mong đợi của bạn một cách rõ ràng, tạo ra văn hóa lớp học cũng như những quy định cụ thể mà học sinh phải biết. Bạn phải nhớ rằng, việc kiểm soát lớp học sẽ trở lên dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn bắt đầu từ sớm.
Chuẩn bị thật kĩ
Việc lập kế hoạch bài học không phải là việc quá khó khăn. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị thêm các hoạt động dự phòng, để tránh trường hợp thời gian lớp học bị dư ra đến tận 15 phút. Bạn sẽ sớm biết rõ hơn về thời gian cần thiết cho các loại bài tập khác nhau.
Kiên nhẫn với bản thân
Cũng như đối với bất kỳ ngành nghề nào, bạn sẽ mắc phải nhiều lỗi sai năm đầu khi mới bước vào nghề giáo. Những hãy biết rằng rồi bạn sẽ giỏi lên thôi! Hãy tưởng tượng bản thân mình thật tự tin, cho bản thân nhiều thời gian và thông cảm cho chính mình như bạn cũng sẽ làm đối với người khác vậy.
Làm chủ thời gian của bản thân trước khi lớp học bắt đầu.
Dù lớp học bắt đầu vào lúc nào, hãy cố gắng thiết lập thói quen làm chủ thời gian và tâm trạng của bản thân mình. Luôn dành đủ thời gian để đến lớp trong trạng thái thư thả đầu óc. Có thể bằng cách uống một tách trà, sắp xếp tài liệu, đi dạo nhanh bên ngoài hoặc trò chuyện với đồng nghiệp.
Tạo mạng lưới đồng nghiệp
Bạn không thể làm việc một cách đơn lẻ được. Ngay từ khi mới vào nghề, hãy liên hệ và kết bạn với những ai bạn cảm thấy thật xuất sắc trong khi giảng dạy. Đồng thời bạn cũng nên tránh xa những người chỉ biết phàn nàn.
Đừng ngại khi được giúp đỡ
Nếu bạn cảm thấy bản thân bị quá tải, hãy hỏi xin lời khuyên từ những giám đốc học vụ hoặc những giáo viên lâu năm. Nếu bạn có thể xoay sở được, hãy hỏi họ về những cơ hội để phát triển nghiệp vụ bản thân. Hãy nhớ rằng hỗ trợ giáo viên cũng là một phần nhiệm vụ của họ!
Hãy hành động ngay khi cảm thấy quá nhàm chán.
Hãy thay đổi và mạnh dạn thử những thứ mới.
“Tôi sẽ quay lại vấn đề này sau”
Đừng tự bịa hoặc tự ứng biến câu trả lời cho những câu hỏi ở những phần ngữ pháp mà bạn không chắc chắn. Thay vào đó, hãy thành thật thừa nhận bạn không chắc chắn 100% và hứa sẽ quay lại vấn đề này sau. Sau đó, hãy giữ lời hứa của mình. Tìm hiểu vấn đề và giải đáp lại cho học sinh về vấn đề đó. Bằng cách này, cả bạn và học sinh của mình đều có thể học được một điều mới. Và hơn hết, sẽ không ai phải đổ mồ hôi hột khi phải đưa ra câu trả lời trước lớp.
Xem trước tài liệu giảng dạy
Đừng chủ quan cho rằng giáo trình của bạn là hoàn hảo. Bạn sẽ thấy rất nhiều lỗi đánh máy và những điểm ngữ rất sơ sài và khó hiểu. Chính vì vậy, tốt nhất là bạn nên xem giáo án trước khi đến lớp.
Thường xuyên phản ánh bản thân
Sau mỗi giờ học, hãy làm một bản đánh giá nhanh về bản thân. Hãy nghĩ về 3 điều bạn làm tốt và 3 điều cần phải cải thiện. Nhấn mạnh tại sao một số điểm lại thành công và đưa ra giải pháp cho những sai sót. Nếu bạn đưa kỹ thuật này lên một tầm cao mới, hãy tự đánh giá lại cuối mỗi học kỳ.
Hãy là chính bản thân bạn
Hãy tìm ra phong cách giảng dạy của bản thân. Đừng bắt chước người khác.
Học cách để gác việc ở trường
Những giáo viên kì cựu luôn nhắc đi nhắc lại về điều này: Hãy xác định thời gian để về nhà và làm những việc còn lại sau. Lúc nào cũng sẽ còn việc để làm. Nếu bạn không có thời gian nào để nghỉ ngơi thì cũng không mang lại lợi ích gì cho công việc giảng dạy của bạn.
Giúp học sinh nói chuyện
Khám phá và khai thác các kỹ thuật để giúp học sinh giao tiếp nhanh chóng, thường xuyên với nhiều bạn trong lớp.
Đừng lạm dụng tài liệu (kỹ thuật số hoặc giấy)
Hãy nhớ rằng: tài liệu của bạn không thể là một bài học hoàn chỉnh, cũng không nên là thứ gây xao nhãng. Mục đích chính của tài liệu là hỗ trợ bạn trong quá trình giảng dạy.
Đừng cá nhân hóa vấn đề
Hãy nhớ rằng công việc đó là hỗ trợ học sinh và tạo ra ảnh hưởng tích cực. Trong trường hợp học viên là những bạn nhỏ, bạn có thể tạo ảnh hưởng như người lớn tuổi hơn. Chuẩn bị và tạo ra những cơ hội tót nhất cho tất cả học sinh của bạn.
Một vài ngày hoặc một vài tuần đầu có thể khiến bạn lo lắng. Nhưng hãy nhớ rằng mọi việc rồi cũng sẽ qua. Trong khoảng thời gian này, một vài mẹo nhỏ bổ ích này sẽ giúp bạn có một khởi đầu thật tốt đẹp. Chúc bạn may mắn và chào mừng bạn đến với cộng đồng giáo viên!
Lược dịch từ Teacherzone bởi Phạm Hằng