Ngày xửa ngày xưa, cô bé gặp một bà tiên đang cần sự giúp đỡ. Cô bé đã có một vài lời khuyên hữu ích cho bà. Ngược lại, bà tiên đã chia sẻ cho cô bé một vài hoạt động vui nhộn mà cô có thể sử dụng trong lớp tiếng Anh; cụ thể là kể chuyện cổ tích. Sau đó cô bé lớn lên, trở thành giáo viên tiếng Anh và cùng với học sinh sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Sau đây Horizon TESOL xin tiết lộ cách sử dụng truyện cổ tích để áp dụng vào lớp học tiếng Anh mà bà tiên đã hướng dẫn cho cô bé nhé!
Khơi nguồn cảm hứng
Hãy mở đầu bài giảng cổ tích của bạn bằng một vài câu chuyện thần tiên đến từ khắp nơi trên thế giới. Bạn có thể kể những câu chuyện quen thuộc như Cô bé Lọ Lem. Hãy cho học sinh của bạn biết về cốt truyện và nhân vật; sau đó đọc lớn câu chuyện cho cả lớp. Sau khi đọc xong, kiểm tra khả năng hiểu của các em bằng những câu hỏi True/False ngắn. Rồi đọc lại câu chuyện 1 lần nữa để các em có cơ hội thay đổi câu trả lời của mình.
Khi học sinh đã nghe khoảng 1-2 câu chuyện; hãy cùng các em thảo luận xem “truyện cổ tích” nghĩa là gì và những đặc điểm tiêu biểu của thể loại truyện này. Phần lớn truyện cổ tích sẽ bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa”; và kết thúc bằng “sống hạnh phúc mãi mãi về sau”. Những đặc trưng khác mà học sinh cần phải biết đó là truyện cổ tích không có thật. Chúng thường chứa đựng nhiều bài học cuộc sống cho người đọc.
Sau khi các em đã hiểu về truyện cổ tích, hãy tiếp tục thảo luận sâu hơn. Giáo viên nên giúp các em hiểu rằng; truyện cổ tích thường khắc họa 2 mặt đối lập của con người như: tốt – xấu, giàu – nghèo, tốt bụng – xấu tính. Những đặc điểm khác mà học sinh có thể tìm thấy như: cốt truyện thường có yếu tố phép thuật; và kết thúc có hậu đối với nhân vật chính.
Nếu còn nhiều thời gian, hãy chia lớp làm những nhóm nhỏ và giao cho từng nhóm 1 câu chuyện cổ tích nổi tiếng. Cho học sinh thời gian để tập dượt; và yêu cầu các em diễn lại câu chuyện được giao ngay trước lớp. Điều này sẽ giúp học sinh luyện tập khả năng đọc hiểu và nói trước đám đông. Đây đồng thời cũng là khoảng thời gian giải trí vui vẻ cho các em.
Lên kế hoạch
Khi các em đã hiểu rõ về các đặc trưng của truyện cổ tích, hãy cho các em suy nghĩ về câu chuyện của riêng mình. Nếu các em là tác giả viết truyện cổ tích thì câu chuyện mà các em muốn kể là gì? Để những học sinh nhỏ tự tạo ra câu chuyện của riêng các em bằng cách phác thảo cốt truyện và nhân vật. Học sinh cũng sẽ tự quyết định việc khắc họa phe thiện và phe ác như thế nào.
Sau đó, các em sẽ phải viết nên những vấn đề, mâu thuẫn cũng như cách giải quyết cho câu chuyện của minh. Nếu học sinh không quen sử dụng những từ vựng dùng để kể chuyện, hãy giúp đỡ các em. Một khi các em đã có kế hoạch sẵn sàng; chia lớp theo từng cặp để các em xem xét lại câu chuyện của nhau. Nếu một bạn không hiểu vài chi tiết trong truyện; bạn tác giả sẽ phải chỉnh sửa lại trước khi viết ra 1 câu chuyện hoàn chỉnh.
Hoàn thành câu chuyện
Bây giờ là thời gian cho học sinh viết nên 1 câu chuyện hoàn chỉnh dựa trên sườn bài đã chuẩn bị trước đó. Các em nên viết theo kế hoạch và phải đảm bảo đưa các yếu tố cổ tích vào trong truyện. Nhắc nhở các em kiểm tra phần nhân vật; mở đầu, đoạn giữa và kết truyện; yếu tố phép thuật và bài học cho người đọc. Nếu học sinh chưa có đủ khả năng để tự viết truyện, giáo viên có thể cho các em kể lại những câu chuyện mà các em biết. Dù là bằng cách nào đi nữa, học sinh cũng sẽ có cơ hội cải thiện kỹ năng viết và giao tiếp thông qua việc viết truyện.
Chia sẻ bài học
Sau khi học sinh hoàn thành câu chuyện; hãy cho các em đọc những câu chuyện của mình cho cả lớp. Sau mỗi lần đọc; giáo viên có thể thảo luận về những điều các em thích; cũng như tìm các yếu tố cổ tích trong truyện. Tiếp theo; hãy chỉ ra điểm giống và khác giữa câu chuyện của các em và các truyện cổ tích nổi tiếng.
Nếu bạn cũng dạy các lớp nhỏ; hãy chọn một ngày để học sinh lớp lớn có thể đọc truyện cho các em nhỏ tuổi hơn. Cuối cùng; hãy tổng hợp các câu chuyện mà học sinh của bạn sáng tác thành một cuốn sách lớn với bìa sách thật đẹp. Cho các em vẽ hình minh họa cho câu chuyện của mình. Chuẩn bị sẵn cuốn sách để các em có thể đọc bất cứ khi nào có thời gian rảnh.
Thật sự thì bạn không cần phải còn trẻ mới có thể yêu thích những câu chuyện cổ tích. Không quan trọng là học sinh của bạn thuộc lứa tuổi nào; các em luôn có thể vui vẻ cải thiện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết bằng các bài học dựa trên truyện cổ tích. Và có lẽ; bạn cũng sẽ tìm được hạnh phúc mãi mãi về sau ngay trong chính lớp học của bạn.
Ái Thi lược dịch từ Busy Teacher
Tham khảo về các khóa học TESOL tại đây.