Phần lớn chúng ta thường nói “Rút kinh nghiệm từ sai lầm” hoặc “Trong cái khó ló có khôn”. Trong khi đó, ai cũng đồng tình rằng phạm lỗi là một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi. Lí do là vì khi chúng ta phạm sai lầm, thay vì bỏ cuộc trong sự thất vọng tràn trề, ta sẽ nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề và đề ra chiến lược để giải quyết. Những giải pháp mà ta tự nghĩ ra sẽ được ghi nhớ lâu hơn.
Cho dù vậy, trong hệ thống giáo dục ở nước ta, phạm lỗi đồng nghĩa với việc bị phạt chứ không được nhìn nhận như một cơ hội để ta học hỏi. Vậy ta phải làm thế nào để giúp học sinh trưởng thành từ những sai lầm? Đầu tiên, hãy tìm hiểu về cách các sai sót kích thích quá trình học tập.
1.Nhìn nhận sai lầm như một nguồn kiến thức.
Khi học sinh quan tâm tới những giải pháp chưa đúng cho một vấn đề nào đó, các em có thể giải quyết vấn đề đó một cách thấu đáo hơn so với những người chỉ biết được những giải pháp đúng. Thêm vào đó, chúng ta không nên chỉ sửa lỗi mà phải giúp học sinh hiểu và nhận ra được cốt lõi của vấn đề.
2.Tiếp thêm động lực và lòng tự tôn bằng cách đối mặt và vượt qua lỗi lầm
Việc học sinh tự sửa chữa sai sót của mình được xem là một thành công nho nhỏ cho bản thân các em. Các em đã bỏ ra những nỗ lực xứng đáng và nhận thấy rằng năng lực của các em được mài giũa từng ngày. Trải nghiệm này sẽ giúp các em kiên trì nỗ lực để đạt được mục tiêu học tập trong tương lai, vì các em biết được rằng bản thân có khả năng làm được điều đó.
Đây là cách biến động lực thành bản chất, và nó hiệu quả hơn việc khuyến khích học sinh phải đạt điểm tốt.
3. Xem sai lầm như là lời khuyên cho giáo viên
Sai chỉ có nghĩa là sai? Không hề nhé! Sai sót có nhiều khía cạnh. Chúng cho giáo viên thông tin về từng học sinh và những ý tưởng chưa đúng cũng như các lỗ hổng kiến thức có thể cản trở việc học tập sau này. Lỗi lầm cũng cho bạn biết liệu học sinh đã hiểu những hướng dẫn đầu giờ hay chưa; hoặc bạn có thể tối ưu hóa việc liên kết các chủ đề của bài học trước với bài giảng hiện tại.
Là một giáo viên, các sai sót đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng cấu trúc bài giảng cũng như giúp bạn theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh. Việc phạm lỗi chỉ thực sự hữu ích khi học sinh biết cách đối mặt và học hỏi từ chúng.
4. Cho phép học sinh mắc lỗi trong quá trình học
Như đã nói, học sinh có thể rút ra bài học sau những sai lầm, vậy thì các em phải được giáo viên cho phép mắc lỗi trong lúc học. Bạn phải giải thích rõ để các em hiểu rằng việc giải quyết những sai sót khi học khác với khi mắc lỗi trong bài kiểm tra. Bạn cũng nên tạo nên một không khí học tập ‘thân thiện với các lỗi sai’ để học sinh không cảm thấy xấu hổ khi làm không đúng.
5. Đưa ra phản hồi đúng lúc
Quá trình học tập diễn ra theo thứ tự như sau: thực hiện hoạt động, mắc lỗi, nhận phản hồi, ngẫm nghĩ về phản hồi đó và thử lại lần nữa. Tuy nhiên, nếu lỗ hổng kiến thức xảy ra trong quá trình học không được phát hiện đúng lúc, sai sót đó có thể đã hằn sâu trong tâm trí của học sinh trước khi các em kịp nhận ra rằng mình cần phải học lại.
Quá trình trên càng ít bị đứt quãng thì việc học tập sẽ càng hữu hiệu. Vấn đề được phát hiện càng sớm thì ta càng có nhiều thời gian để sửa chữa hơn. Lí tưởng nhất là khi học sinh ngay lập tức nhận được phản hồi về mức độ chính xác của bản thân sau khi các em đưa ra cách giải cho một bài tập nào đó.
6. Phân tích nguyên nhân cốt lõi
Có nhiều loại lỗi sai khác nhau. Dù là sai do bất cẩn, sai có hệ thống hay sai vì nhận thức chưa đúng thì chúng cũng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Biết mình sai vẫn chưa đủ, học sinh cần phải biết cốt lõi vấn đề nằm ở đâu. Phân tích nguyên nhân gốc rễ kết hợp với sự hỗ trợ cá nhân là cách tốt nhất để thay đổi thói quen suy nghĩ của học sinh và ngăn các em mắc lại sai lầm tương tự.
7. Khuyến khích thói quen tự sửa lỗi
Hãy cho học sinh cơ hội tìm và sửa lỗi sai của bản thân ngay sau khi các em phạm sai lầm. Điều này sẽ có tác động tích cực lên động lực học tập của các em. Cùng lúc đó, việc yêu cầu các em tìm ra nguyên nhân cốt lõi và nguồn gốc của các lỗi sai sẽ giúp phát triển tư duy khái niệm.
Ví dụ, khi học toán, học sinh thường giải bài như vẹt chứ không thật sự hiểu được khái niệm. Tuy nhiên, khi các em cố gắng tự tìm ra nguồn gốc của các sai sót, các em sẽ nhận ra vấn đề và cải thiện kiến thức một cách độc lập. Học theo cách này sẽ giúp kiến thức lưu lại lâu hơn cũng như áp dụng được dễ dàng hơn cho các bài toán sau này.
Lưu ý:
Nếu bạn muốn giúp học sinh của mình biến các lỗi sai thành kết quả tốt, sau đây là một vài trở ngại bạn có thể gặp phải:
- Làm thế nào để bạn có thể để mắt đến từng cá nhân học sinh trong lớp?
- Cần dành bao nhiêu công sức để phân tích lỗi sai?
- Bạn sẽ phản hồi cho học sinh như thế nào?
- Làm sao để phản hồi đúng lúc?
8. Sử dụng công nghệ giúp phân tích lỗi sai
Chúng ta sẽ nhanh chóng cạn kiệt sức lực nếu cố gắng sửa hết tất cả các lỗi sai của tất cả những học sinh trong lớp. Do đó, các phần mềm giáo dục sẽ giúp ta nhẹ nhõm phần nào khi chúng có khả năng phân tích mọi dữ liệu mà học sinh nhập vào và đưa ra phản hồi cho câu trả lời của các em. Theo đó, với tư cách là giáo viên, bạn nên thay phiên phân tích điểm mạnh và điểm yếu của học sinh.
Gợi ý:
Có hàng ngàn phần mềm và nền tảng phục vụ cho giáo dục mà bạn có thể lựa chọn. Để có thể hỗ trợ giáo viên trong việc đánh giá xem một nền tảng công nghệ có khả năng giúp bạn và học sinh của bạn học hỏi từ sai lầm hay không, sau đây là một danh sách các điều kiện cần:
- Chương trình đó có cho phép học sinh nhập bất cứ dạng câu trả lời nào không? Học sinh có thể mắc nhiều loại lỗi không?
- Có các công cụ nhập liệu tương tác được mô phỏng theo các tài liệu học tập tương tự, ví dụ như la bàn hoặc thước đo góc không?
- Phản hồi có được đưa ra ngay sau khi học sinh nhập câu trả lời không?
- Học sinh có nhận được phản hồi theo từng cá nhân kèm theo lời giải thích không?
- Công nghệ đó có nhìn nhận những sai lầm lặp lại của học sinh như những lỗ hổng kiến thức không?
- Là một giáo viên, bạn có nhận được phân tích về tiến độ học tập và những sai lầm của từng học sinh của mình không?
Lược dịch từ Teach Thought bởi Ái Thi
Tham khảo các khóa học tại đây.