(theo theguardian.com)
Đôi khi, hành động của chúng ta không có nền tảng lý trí minh bạch mà bị tác động bởi thiên kiến tri nhận – những suy nghĩ có khả năng bóp méo tính khách quan và logic của vấn đề.
Các nhà tâm lý học đã xác nhận sự tồn tại hơn 100 thiên kiến tri nhận. Chúng có thể rất vô hại như khi giúp đỡ ai đó, tiềm thức của bạn sẽ hình thành ý nghĩ rằng bạn thích người đó nên mới giúp họ (Hiệu ứng Benjamin Franklin) đến những suy nghĩ nghiêm trọng như Thiên kiến bi quan – tin rằng mình kém may mắn.
Thiên kiến tri nhận xuất hiện trong mọi mặt đời sống xã hội nơi tồn tại áp lực làm việc và sự tôn thờ thành công, đây cũng là những đặc tính của môi trường học đường. Sau đây là các thiên kiến có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả một lớp học.
Hiệu ứng Hawthorne
Trong một thử nghiệm tại nhà máy Hawthone, Hoa Kì, những người chủ doanh nghiệp muốn tìm cách tăng năng suất lao động đã giám sát các nhân viên nhà máy. Các nhân viên khi biết mình đang được quan sát thì làm việc siêng năng hơn và năng suất tăng lên. Khi không có ai theo dõi công việc, năng suất trở về con số ban đầu.
Tương tự như trên, các tiết dự giờ của giáo viên khó có thể cho kết quả chân thực vì sự hiện diện của một giáo viên khác sẽ tạo ra hiệu ứng Hawthrorne với giáo viên đứng lớp, làm cho họ dạy và ứng xử khác đi so với ngày thường. Các tiết dự giờ thường xuyên với mục tiêu xây dựng mà không chỉ trích là liều thuốc giảm tác dụng thiên kiến tri nhận này.
Hiệu ứng Ikea
Các nghiên cứu cho thấy người ta thường nghĩ những gì bản thân họ tạo nên có giá trị cao hơn thực tế (như đồ nội thất tự lắp ráp của Ikae). Vì vậy, tạo dựng một ý tưởng càng lâu, người ta càng có khuynh hướng đánh giá quá cao đứa con tinh thần của mình.
Trong trường học, công nhân viên trường là nạn nhân phổ biến của thiên kiến này, gây hậu quả là họ theo đuổi những kế hoạch, chiến lược thất bại hoặc không phù hợp. Giáo viên cần biết khổ công gầy dựng một ý tưởng không có nghĩa là nó luôn hay, và đôi khi từ bỏ kết quả lao động trí óc là cần thiết.
Hiệu ứng đám đông (Bandwagon)
Càng nhiều người đồng ý với một ý kiến thì cân nặng của ý kiến ấy càng lớn – bản năng của con người là thiểu số phục vụ đa số. Khi bị đám đông ảnh hưởng, người ta khó lòng tư duy khách quan và chặt chẽ. Trong môi trường học đường, các thói quen xấu của số đông học sinh dễ lây lan qua những học sinh khác. Tuy nhiên hiệu ứng này không hoàn toàn tiêu cực: qua việc khen ngợi các hành vi tích cực của tập thể lớp, giáo viên có thể tạo nên một hiệu ứng đám đông trong lớp học, khiến cho các học sinh noi theo những hành vi tốt nếu muốn được hòa vào tinh thần tập thể.
Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias)
Khi đã đồng ý với một quan điểm nào đó, người ta có xu hướng tập trung vào các lý lẽ, bằng chứng xác minh quan điểm đó là đúng. Do đó, khi giáo viên mang định kiến về một học sinh (cho rằng học sinh đó hư, học yếu) thì những lúc học sinh này mắc sai lầm sẽ in đậm trong trí nhớ giáo viên hơn, dù thực tế học sinh đó cũng có điểm mạnh riêng. Ngược lại, nếu giáo viên đối xử với mọi học sinh bằng niềm tin và hy vọng thì bản thân học sinh cũng lại cố gắng để xứng đáng với niềm tin đó.
Thiên kiến điểm mù (Blindspot)
Nếu bạn nghĩ rằng bản thân và lớp học không đối mặt với bất kì thiên kiến nào, có thể bạn đang mắc phải thiên kiến điểm mù – nghĩ rằng chỉ người khác mới bị ảnh hưởng bởi thiên kiến.
Tác giả: Nhà tâm lý học Bradley Brursch.
Tham khảo khóa học TESOL tại đây.