Trẻ nhỏ thường không e dè hoặc ngượng ngùng như lứa tuổi thiếu niên, và cũng không sợ bản thân trở nên ngớ ngẩn như người lớn. Các bé sẽ không ngần ngại mà nhảy nhót một cách thích thú vì nguồn năng lượng vô hạn như đang chảy trong từng mạch máu của các bé. Nhưng sẽ như thế nào nếu trong trường lớp không có đủ sân chơi cho các bé chạy nhảy? Hay đơn giản là vì lớp học có quá nhiều các bạn học sinh nên không còn không gian để chơi đùa? Và giả sử như nếu chúng ta muốn tổ chức những hoạt động vận động vui chơi cho các bé tham gia mà đồng thời phải giữ cho lớp trật tự thì sao? Đừng tuyệt vọng vì có rất nhiều trò chơi khác mang tính ổn định hơn mà vẫn đảm bảo các bé sẽ say mê với nó.
Gợi ý 9 hoạt động chơi tại chỗ cho trẻ
1. Chơi cùng bảng trắng
Có vô vàn những trò chơi sử dụng tấm bảng trắng thường ngày mà các bé có thể chơi mà vẫn ngồi ở ghế không cần phải di chuyển. Như là trò vẽ hình đoán chữ, ca-rô, hay Hangman.
2. Kể chuyện
Các bé rất thích được nghe kể những câu chuyện hay ho. Nếu có đủ không gian thì hãy bảo các bé ngồi thành vòng tròn ở dưới đất. Dùng những quyển truyện thật to và bắt mắt với nhiều hình ảnh. Sau đó hãy thường xuyên hỏi các bé “Con nghĩ điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?”. Hãy để các bé được thỏa sức đắm chìm vào những câu chuyện vì như thế sẽ làm các bé rất thích. Và đừng quên thể hiện cả biểu cảm và sử dụng nhiều tông giọng khác nhau khi kể chuyện.
3. Nhập vai
Đưa một loạt thẻ từ vựng cho các bé luyện tập bằng các mẫu câu: “What’s this?”; “What color is this?”,… Sau đó các bé sẽ thay phiên để làm thầy cô giáo đứng trước lớp. Các bé phải hỏi các bạn cùng lớp những câu tương tự như vậy. Và sự lặp đi lặp lại này giúp nâng cao khả năng ghi nhớ của các bé.
4. Trò chơi thủ công
Các hoạt động liên quan đến nghệ thuật thủ công thường thú vị hơn và đỡ chán hơn việc chỉ cho các bé ngồi mà không làm gì. Cung cấp cho các bé đầy đủ đồ dùng để các bé sắp xếp và làm theo hướng dẫn. Ví dụ như 1 hình vuông màu đỏ, 1 hình tam giác màu xanh lá, 1 hình chữ nhật màu nâu, 1 hình tròn màu xanh lá, và 1 hình chữ nhật màu nâu nhỏ hơn. Hướng dẫn các bé làm như sau: đặt hình vuông màu đỏ vào trung tâm. Sau đó để hình tam giác màu xanh lá lên trên hình vuông màu đỏ. Và cứ tiếp tục như thế cho đến khi bọn trẻ hoàn thành một bức tranh hoàn chỉnh có một căn nhà cùng với một cái cây.
5. Tô màu và vẽ tranh
Cũng tương tự như hoạt động kể trên, thầy cô chúng ta có thể đưa các bức tranh cho các bé tô màu đi kèm với đó là hướng dẫn cụ thể như: hãy tô mái tóc bằng màu nâu; hãy vẽ một hình vuông màu xanh dương và hãy vẽ một hình tròn màu xanh lá nằm trong hình vuông đó. Đây thật sự là những bài tập bổ ích cho các bé rèn luyện tính tập trung là chủ yếu, và kèm với đó là kỹ năng lắng nghe và làm theo hướng dẫn.
6. Đoán đồ vật
Bạn có thể cho các bé chơi trò này cũng bằng cách ngồi thành vòng tròn và sau đó đặt các món đồ vào trong một cái túi để các bé không thấy chúng. Đó có thể là vật thật hoặc đồ chơi. Cho các bé đi một vòng và thay phiên nhau đặt tay vào túi để cảm nhận món đồ đó là gì và phải đoán đúng tên của nó. Hoặc chúng ta có thể nhìn thẻ từ vựng và mô tả cho các bé chữ hoặc hình ảnh trong thẻ đó là gì để các bé đoán. Trò chơi này rất hiệu quả trong việc thu hút sự tập trung và chú ý của các bé
7. Hoạt động tại chỗ
Ai nói chúng ta không thể chơi khi vẫn ngồi? Có rất nhiều những bài nhạc mà thầy cô chúng ta có thể hát để các bé vận động theo. Đó có thể là vỗ tay hoặc dậm chân. Và nếu chúng ta không có nhiều không gian để di chuyển xung quanh lớp học thì hãy xem xét những bộ phận trên cơ thể nào mà các bé có thể sử dụng khi ngồi.
8. Trò chơi chiến lược
Bất kể là nhóm nhỏ hay lớn thì chúng ta nên chia các bé thành nhiều nhóm nhỏ hơn vì với số lượng ít thì board games mới trở thành một trò chơi lý tưởng. Cho các bé ngồi tụ lại thành một nhóm, đưa mỗi nhóm những trò chơi giống hoặc khác nhau, sau đó các bé có thể đổi trò cho nhau. Ta có thể dùng các mẫu này cho trò chơi Rắn leo thang, đồng thời ôn lại từ vựng và các điểm ngữ pháp cụ thể cho các bé.
9. Trò chơi chuyền bóng
Và ai có thể nói bạn không thể chơi với quả bóng trong khi vẫn ngồi? Nếu các bé ngồi ở bàn học thì vẫn có thể chuyền quả bóng đó cho các bạn khác. Có thể áp dụng chơi các trò như đánh vần, hỏi và đáp, đếm hoặc đọc chữ cái, êt
Kết luận
Các trò chơi tại chỗ là người bạn đồng hành lý tưởng nhất khi vừa cho các bé giải trí mà vẫn đảm bảo trật tự. Những hoạt động tưởng chừng như nhàm chán đó có thể trở nên vui nhộn hơn bằng cách áp dụng phương pháp minh họa bằng một hành động cơ thể.
Nếu bạn phụ trách một lớp học với số lượng lớn các bạn học viên nhưng phòng học không đủ rộng rãi để tổ chức các trò chơi vận động thì bạn nên dẫn các bé ra ngoài trời. Nếu có thể thì nên diễn ra vài lần mỗi tháng, có thể đi đến phòng gym, quán cafe của trường hoặc bất cứ nơi đâu có đủ không gian để các bé được chạy nhảy. Bọn trẻ sẽ cảm thấy rất thích thú nếu được thay đổi không gian và môi trường vui chơi như thế.
Lược dịch từ Busy Teachers bởi Nhật Vy.