DẠY KỸ NĂNG ĐỌC VÀ VIẾT

I/ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC

Về cơ bản đọc có hai loại: đọc mở rộng (extensive reading) và đọc chuyên sâu (intensive reading), và chúng ta cần truyền đạt một vài kỹ năng cần thiết cho cả hai hình thức trên. Việc dạy kỹ năng đọc sẽ dễ dàng hơn khi có chiến thuật và luyện tập thường xuyên. Nhiều người cảm thấy việc đọc thật nhàm chán vì họ không được hướng dẫn chiến thuật đúng đắn. Dưới đây là 6 chiến thuật giúp học viên cải thiện năng lực đọc để đọc hiệu quả hơn. 

Suy đoán (Prediction)
Đây là bước chuẩn bị bằng việc đoán thể loại bài đọc trước khi bắt đầu đọc. Dùng tiêu đề, đề mục và hình ảnh đi kèm để tìm ra chủ đề khái quát của bài đọc (bạn cũng có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân). Giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi tổng quát để người học làm quen với bài đọc/ đoạn văn trước khi đọc. 

Đọc lướt (Skimming)
Skimming là quá trình đọc lướt qua toàn bộ bài đọc để lấy ý chính của bài. Trong khi đọc lướt, yêu cầu học viên của bạn gạch chân danh từ, liên từ để dễ nắm được nội dung khái quát của bài.   

Đọc nhanh (Scanning)
Scanning là đọc thật nhanh để lấy dữ liệu cụ thể trong bài đọc. Ở bước này, học viên cần được hướng dẫn cách lấy những thông tin cụ thể để gạch chân, đó có thể là ngày, năm, tên, từ vựng quan trọng,.. Sau đó học viên sẽ đọc lại câu hoặc đoạn nơi đã được đánh dấu trong bài để tìm thông tin cần. Ví dụ, nếu người học đang đọc một trang web về viện bảo tàng và muốn tìm thông tin về giá vé, họ có thể sử dụng chiến thuật scanning.

Từ nối (Cohesive devices)
Hãy lưu ý từ nối như “On the other hand”, “In spite” và “even though” vì tác giả sử dụng những từ này khi muốn diễn tả một ý đối lập với ý đằng trước. 

Đoán nghĩa của từ
Trong trường hợp người học gặp một vài từ lạ trong bài đọc, hãy yêu cầu học viên nghĩ về ngữ cảnh của từ vựng và kết hợp với những từ phía trước hoặc phía sau để đoán nghĩa của từ ấy. 

Đọc chuyên sâu
Hãy dành thời gian đọc thật kỹ để tìm ra quan điểm và ý kiến của tác giả, những khái niệm trừu tượng cũng như những ẩn ý và tổng hợp những điều trên lại để hiểu được toàn bộ những gì mình đang đọc. Loại hình đọc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu người học đã luyện tập và kết hợp năm chiến lược ở trên thật nhuần nhuyễn.

II/ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG VIẾT

Khi bạn chuẩn bị bài giảng cho kỹ năng viết, hãy tìm ra những hoạt động hữu ích và dễ áp dụng nhất có thể. Hãy cân nhắc đến ba yếu tố: người học của bạn, ngữ cảnh và mục đích. Ví dụ, những học viên nhỏ tuổi có thể thực hành viết một câu chuyện, còn những học viên lớn có thể viết về đam mê của chính bản thân mình. Ba yếu tố trên thường bị bỏ qua khi giáo viên chỉ tập trung bám sát vào giáo trình trên trường học. Hãy cố gắng xác định cả 3 yếu tố người học, ngữ cảnh và mục đích trước khi bắt đầu mỗi bài tập viết để lồng ghép chúng vào bài học. Cả bạn và người học có thể cùng nhau xác định những yếu tố ấy và điều này giúp cho việc học viết trở nên thú vị và hiệu quả hơn. 

Cân nhắc những chủ đề học viên của bạn sẽ thích.

Đôi khi chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều cho một bài viết nhưng đôi khi ta lại không cần phải chuẩn bị gì cả. Người học cần có những cơ hội để viết thỏa thích mà không phải lo lắng về việc đúng-sai. Hãy linh hoạt khi dạy viết vì có rất nhiều thể loại văn viết khác nhau!

Nhìn chung, để phát triển sự mạch lạc trong cách hành văn, người viết phải tập trung và luyện tập những kỹ năng như sau.

Lập dàn ý một cách logic
Lập dàn ý cẩn thận giúp người học sắp xếp bài viết theo trình tự hợp lý, giúp bài viết dễ đọc dễ hiểu. Mở bài nên là phần mở ra vấn đề và thu hút được hứng thú của người đọc. Những đoạn sau phải mạch lạc với nhau, và tất nhiên đoạn kết phải tổng hợp được tất cả những ý đã nói trong bài và mang đến cho người đọc cảm giác “kết thúc”.

Viết một cách chuẩn xác
Một bài viết thông minh là một bài viết dùng từ một cách hiệu quả và chuẩn xác. Người học thường dùng những từ không hay và không chuẩn xác hoặc dùng những từ có phần thừa thãi. Thông qua những nhận xét của giáo viên, việc sửa chữa và đọc lại bài viết, người học có thể phát triển kỹ năng phát hiện ra những từ không cần thiết sử dụng trong bài viết của mình. 

Phân đoạn
Phân đoạn một cách hợp lý giúp người đọc dễ đi theo mạch của bài viết. Nhìn chung, mỗi đoạn văn nên có một luận điểm riêng biệt. Một bài viết không ngắt đoạn sẽ khiến người đọc bối rối và khó chịu. Nếu các câu không được nối với nhau bằng liên từ thì đoạn văn sẽ trở nên khó đọc. Giống như cách các câu văn trong đoạn phải được nối lại với nhau, các đoạn văn cũng cần có sự liên kết. Liên từ cũng rất hữu ích cho quá trình chuyển tiếp từ đoạn này sang đoạn khác.

Có rất nhiều kiểu hoạt động khi viết liên quan đến ngữ pháp, từ vựng, mạch văn mà bạn có thể làm để giúp học viên cải thiện kỹ năng viết. Có những hoạt động tập trung vào việc cải thiện tính chuẩn xác trong cách dùng từ, có những hoạt động thiên về việc giúp người học truyền đạt ý tưởng qua bài viết tốt hơn. Bên canh đó cũng có những hoạt động tập trung vào cả quá trình viết, bao gồm cách viết một bài văn, cách lập dàn ý, kiểm tra lỗi và sửa lại bài.

Tìm hiểu thêm khóa đào tạo kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại đây.

Các nguồn tham khảo: 

Farrell, T (2008) Teaching Reading to English Language Learners: A reflective guide. Corwin Press. Grellet, F (1987) Developing Reading Skills. Cambridge University Press. Nation, I (2008) Teaching ESL/EFL Reading and Writing. Routledge. Nuttall, C (2005) Teaching Reading Skills in a Foreign Language. Macmillan. Osborn, A (2012) Reading B1+. Collins

Hadfield, J. and C. (2001) Simple Writing Activities. Oxford University Press. Nation, I. (2009) Teaching ESL/EFL Reading and Writing. Routledge. Palmer, G. (2004) Writing Extra: A resource book of multi-level skills activities. Cambridge University Press. Scrivener, J. (2011) Learning Teaching. Macmillan. Sokolik, M. (2012) 50 Ways to Teach Them Writing: Tips for ESL/EFL teachers. Wayzgoose Press. 

DMCA.com Protection Status