Có người từng chia sẻ rằng dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ cũng như đang phải chơi đùa với các chú khỉ con vậy. Các bé vô cùng năng động, tò mò và sôi nổi hơn nhiều so với thanh thiếu niên hoặc người lớn ; dạy trẻ em luôn đòi hỏi nhiều loại kỹ năng khác nhau. Tạo không khí và duy trì thái độ tích cực trong lớp học là điều cần thiết cho những buổi học suôn sẻ. Dưới đây là một số mẹo hay bạn cần nhớ.
Phần 1: Thiết lập sự kỳ vọng về thái độ của học sinh
Trẻ em luôn cần một mức độ ranh giới nhất định để các bé hiểu, hành động có chừng mực và nghe theo lời cha mẹ. Ví dụ ở nhà thì cần phải “rửa tay trước khi ăn” ; hoặc “cất gọn đồ chơi trước khi đi ngủ”. Trong lớp học cũng vậy, hãy đặt ra những giới hạn như “không làm ồn khi người khác đang nói”;“hãy chia sẻ đồ dùng cùng nhau” hoặc “không chạy giỡn và la hét trong giờ học”. Dưới đây là ba bước đầu tiên để thiết lập những giới hạn này:
1. Hãy rõ ràng
Các học sinh nhỏ tuổi cần được phổ biến luật lệ sớm và rõ ràng. Bạn đừng phức tạp hóa mọi thứ và hãy giữ “nội quy lớp học” ở mức cần thiết. Các bé mầm non có thể thích trang trí hoặc tô màu poster về nội quy, còn những trẻ lớn hơn thì sẽ thích được đưa ra các đề xuất đóng góp vào nội quy đó (tất nhiên là phải thông qua sự đồng ý của giáo viên!)
2. Hãy nhất quán
Bây giờ học sinh đã biết nội quy lớp học, hãy đảm bảo rằng hậu quả nếu phạm phải luôn được duy trì nhất quán. Tương tự như vậy, hãy tuân thủ các quy tắc cho chính mình. Ví dụ như bạn không nên mang trà vào lớp nếu học sinh chỉ được phép uống nước.
3. Hãy tôn trọng
Giống như bất kỳ ai, học sinh nhỏ tuổi cũng sẽ tôn trọng những người đối xử lịch sự với chúng. Bạn hãy lắng nghe nhu cầu của các bé và xem chúng như những thành viên có giá trị của lớp học.
Phần 2: Duy trì thái độ tích cực trong lớp học
Mặc dù sẽ có một số ngày tự nhiên diễn ra tốt đẹp hơn những ngày khác, nhưng bạn có thể thực hiện những điều sau đây để hạn chế những khoảnh khắc “bực bội” đó và giữ cho học sinh luôn có động lực học:
1. Chuyển đổi tín hiệu
Sử dụng âm thanh là một trong những cách để ra hiệu với học sinh khi cần làm điều gì đó, ví dụ “đã đến lúc cùng ngồi xuống sàn”, hoặc “hãy trở lại chỗ ngồi”, “cất đồ đạc vào cặp”,v.v. Bạn hãy chọn một tín hiệu âm thanh dễ tạo ra, chẳng hạn như chuông gió hoặc thậm chí một giai điệu báo thức ngắn.
2. Sử dụng âm nhạc
Cho học sinh nghe nhạc trong khi hoạt động cá nhân hoặc nhóm có thể rất hiệu quả khi kết hợp với việc tắt nhạc lúc giáo viên đang nói. Hãy chắc chắn rằng bạn thiết lập quy tắc này ngay từ ngày đầu tiên của khóa học.
3. “Cô/thầy gọi, các em trả lời!”
Hãy thu hút sự chú ý của trẻ trở lại bằng cách thiết lập quy tắc gọi/trả lời trong lớp học. Trẻ em thích có cớ để hét lên và cách này sẽ thỏa mãn các bé, đồng thời giúp các bé tập trung hơn. Chỉ cần vài câu đơn giản như sau:
Giáo viên: “Các bé ơi!”
Học sinh: “Cô/thầy nói gì ạ?”
Giáo viên: “Đưa tay lên cao…”
Học sinh: “Chạm vào bầu trời.”
Giáo viên: “Simon nói…”
Học sinh: “Tay để trên đầu.”
4. Giữ cho trẻ luôn bận rộn
Học sinh càng nhỏ tuổi càng có thời gian tập trung ngắn ; do đó cần thay đổi chủ đề thường xuyên hơn so với người lớn. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn có nhiều hoạt động đa dạng và bổ ích để thúc đẩy học sinh phát triển hơn. Luôn bận rộn và gặp thử thách sẽ hạn chế sự nhàm chán, do đó làm giảm các hành vi, thái độ “tiêu cực” trong lớp học.
5. Tuyên dương thái độ “tốt”
Nói chung, tập trung vào những gì “tốt đẹp” luôn mang đến nhiều động lực hơn là chỉ ra những gì “sai trái”. Hãy khen ngợi khi trẻ làm mọi thứ một cách chính xác ; ví dụ như khi cất gọn những tài liệu bài học, nói “làm ơn” và “cảm ơn”, giơ tay phát biểu, ngồi học ngoan trên ghế.
6. Chú ý đến những học sinh đang cố gắng
Tương tự, hãy nhớ cổ vũ những trẻ đang cố gắng, ngay cả khi chúng chưa đạt được một mục tiêu cụ thể. Điều này giúp tinh thần của các bé luôn phấn chấn và vững vàng để tiếp thu bài học.
Quỳnh Anh lược dịch từ ef.com
Tham khảo về các khóa học TESOL tại đây.