8 Mẹo dạy cho học viên nhỏ tuổi

Giáo viên cần phải cân nhắc về độ tuổi của học sinh trong khi giảng dạy để có thể dạy học một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các học viên nhỏ tuổi. Hãy sử dụng những mẹo sau đây để dạy cho các bé hiệu quả nhất. 

Tạo sự kết nối với học sinh

Các bé cần phải biết rằng giáo viên quan tâm đến mình. Các em cần cảm nhận được sự kết nối với người giáo viên. Hãy tìm hiểu về học sinh của bạn và cách các em học. Bạn hãy thể hiện rằng bạn đang quan tâm đến từng học sinh. 

Tạo một môi trường học tập tích cực

Học sinh tiếp thu nhanh trong môi trường học tích cực cho dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Hãy cố gắng tạo được một môi trường nơi mà học sinh có thể nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè. Xây dựng được sự tự tin cho các em và giúp các em cảm thấy tự tin về bản thân mình khi học. 

Khuyến khích học sinh hoạt động

Các học sinh nhỏ tuổi thường luôn tràn đầy năng lượng. Thay vì cố gắng đè nén năng lượng này, bạn hãy tìm những cách tích cực hơn để tận dụng nó trong lớp học. Hãy lên kế hoạch các hoạt động vui nhộn, thú vị và đòi hỏi nhiều tương tác. Khi bạn làm vậy, học sinh sẽ có thời gian thoải mái hơn để tập trung khi học.

Thường xuyên thay đổi các hoạt động

Nghiên cứu cho thấy học viên nhỏ tuổi thường chỉ có thể tập trung trong khoảng 10-15 phút. Nếu bạn cố gắng lên kế hoạch dài hơn khoảng thời gian này thì bạn sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc quản lý lớp học. Thay vào đó, hãy cố rút ngắn thời gian của hoạt động lại và thường xuyên thay đổi các hoạt động mới. Ví dụ như là cho học sinh đứng lên đi vòng tròn quanh lớp. Sau đó cho các em trở về bàn của mình để hoàn thành một bài tập. Sau một lúc, các em sẽ tiếp tục đứng lên và di chuyển. Làm điều này có thể giúp các em tập trung vào bài học ngay lập tức. 

Xáo trộn các nhóm với nhau

Bằng cách hoạt động theo nhóm, học sinh sẽ biết được những người bạn của mình học như thế nào. Các em có thể học được rất nhiều từ việc làm nhóm với bạn của mình. Hãy chắc chắn rằng bạn thường xuyên xáo trộn các nhóm với nhau. Tạo cho các em cơ hội được làm quen với nhiều người khác nhau, để từ đó các em có thể học nhiều cách khác nhau khi làm một việc gì đó. 

Nhắc nhở kỷ luật một cách nhất quán

Quản lý lớp học là một trong những thử thách lớn nhất của giáo viên khi tiếp xúc với các học viên nhỏ tuổi. Bạn cần phải lập ra những quy định nhất quán, nhưng bạn cũng không nên suốt ngày ngừng lại khi đang giảng bài chỉ để nhắc nhở học sinh. Một trong những cách tốt nhất để giải quyết những hành vi tiêu cực đó là bằng cử chỉ của bàn tay. Hãy cho các em biết rằng cử chỉ tay đó có nghĩa là gì. Khi có vấn đề xảy ra, bạn ra hiệu cho học sinh bằng tay để nhắc nhở về một vấn đề gì đó mà không cần phải ngừng bài giảng lại. 

Hình thành thói quen

Học viên nhỏ tuổi cần phải biết rằng nên mong đợi những gì và cách để hành xử. Đó là lý do tại sao bạn phải thiết lập được những thói quen và quy trình nhất định. Khi bạn đã có quy trình rõ ràng thì học sinh chỉ cần theo đó mà làm theo; bạn sẽ gặp ít vấn đề trong việc quản lý lớp học hơn. Bạn có thể dành nhiều thời gian nhắc lại về những thói quen cho học sinh và ít thời gian kỷ luật chúng hơn.

Kiên nhẫn

Học viên nhỏ tuổi có nhiều tính cách khác nhau. Chẳng hạn như các em hay muốn hoạt động và di chuyển. Các em cũng muốn chia sẻ những gì mà các em nghĩ và có thời gian cùng với bạn bè. Hãy tìm hiểu về những gì sẽ xảy ra ở giai đoạn phát triển này của trẻ em. Sau đó, hãy kiên nhẫn với học sinh của bạn trong khi chúng dần làm quen với những hướng dẫn; hình thành thói quen và các quy tắc trong lớp của bạn. 

Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng; nhưng với kinh nghiệm và những mẹo giảng dạy cho trẻ nhỏ này; bạn sẽ tìm ra điều gì là hữu ích với bạn. Sau đó bạn có thể dạy học sinh của bạn một cách hiệu quả và giúp chúng tốt hơn.

Lan Vy lược dịch từ Magoosh

Tham khảo các khóa học tại đây.

DMCA.com Protection Status