Trí nhớ ngắn hạn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phiên dịch. Trí nhớ ngắn hạn kém có thể dẫn đến hiện tượng “phiên dịch gần đúng”, hay nói cách khác, phiên dịch viên có thể nhớ được nội dung chính cuộc trò chuyện nhưng không nhớ rõ chi tiết cách người nói diễn đạt ý tưởng. Ví dụ: phiên dịch viên sử dụng cụm từ “khá mạnh mẽ” khi ý người nói thực sự muốn thể hiện là “cực kỳ mạnh mẽ”. Họ cũng có thể sử dụng từ nối trung lập hoặc vô nghĩa khi không nhớ rõ người nói sử dụng liên kết theo quan hệ nhân quả, bổ sung hay đối lập. Vì vậy, các phiên dịch viên cần cải thiện trí nhớ ngắn hạn của mình để tránh lỗi này.
Dưới đây là một số bài tập để rèn luyện trí nhớ ngắn hạn dành cho cá nhân hoặc một nhóm phiên dịch viên, hay cho cả giảng viên đang giảng dạy về phiên dịch.
Bài tập 1: Shadowing
Bài tập “shadowing” yêu cầu người học lặp lại chính xác từng từ của người nói. Thông thường, phiên dịch viên sẽ dịch sau người nói một hoặc hai từ. Khi phiên dịch viên đã tự tin hơn thì họ có thể dịch sau khi nghe nhiều từ hơn. Bài tập này thường được sử dụng để chuẩn bị cho phiên dịch song song, giúp phiên dịch viên luyện cách nghe và nói cùng một lúc. “Shadowing” cũng rất tốt cho sự phát triển trí nhớ, bởi các phiên dịch viên sẽ phải lưu trữ và nhớ lại các âm thanh, ngôn từ và thông tin theo từng nhóm nhỏ trong một khoảng thời gian khá ngắn.
Đối với bài tập này, bạn nên bắt đầu với các văn bản ngắn và tăng độ dài lên dần dần. Nếu bạn làm việc một mình, hãy ghi lại văn bản hoặc sử dụng bài phát biểu từ tivi hoặc đài. Nếu bạn làm việc theo nhóm, một người có thể đọc văn bản trong khi người kia lặp lại văn bản đó.
Bài tập 2: Chú ý lắng nghe các ý chính
Hãy chú ý lắng nghe cẩn thận khi muốn kích thích bộ não nhớ lại. Nếu không nghe kỹ, bạn sẽ không thể nhớ được điều đó đâu. Chính vì thế, điều đầu tiên cần làm khi chú ý lắng nghe chính là xác định các ý chính của bài phát biểu. Ví dụ, khi nghe một đoạn tường thuật hoặc mô tả ngắn, bạn cần trả lời được các câu hỏi chính “Ai nói? Nói gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Làm sao?”. Mặc dù không phải lúc nào cũng phải trả lời tất cả những câu hỏi này, nhưng nếu bạn trả lời được tất cả thì chứng tỏ rằng bạn đã lắng nghe cẩn thận những ý chính.
Trong bài tập này, bạn có thể sử dụng các đoạn văn miêu tả hoặc tường thuật và ghi lại đoạn văn đó nếu bạn đang luyện tập một mình. Nếu đang luyện tập theo nhóm, hãy nhờ đồng nghiệp đọc cho bạn nghe.
Bài tập 3: Chủ động nâng cao khả năng hồi tưởng
Để có một trí nhớ tốt đòi hỏi luyện tập liên tục. Bài tập này được thiết kế giúp người học từ từ nâng cao khả năng ghi nhớ. Đầu tiên, phiên dịch viên sẽ lắng nghe một bài phát biểu dài 50 đến 60 từ rồi sau đó xác định những ý chính. Nghe văn bản lần thứ hai, phiên dịch viên sẽ bổ sung thêm chi tiết cho các ý chính. Đến lượt cuối cùng, phiên dịch viên sẽ cố gắng nhớ lại tất cả các chi tiết.
Khi biết rằng không cần phải nhớ hết tất cả các chi tiết ngay từ đầu, phiên dịch viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn và nhớ được nhiều chi tiết hơn là khi căng thẳng. Khi trí nhớ đã trở nên tốt hơn, các phiên dịch viên có thể giảm còn 2 lần nghe và tăng độ dài của văn bản. Mục tiêu cuối cùng của bài tập này là có thể ghi nhớ và trình bày tất cả các chi tiết của một bài phát biểu 50 từ chỉ sau 1 lần nghe.
Trong bài tập này, bạn có thể sử dụng các đoạn văn miêu tả hoặc tường thuật và ghi lại đoạn văn đó nếu bạn đang luyện tập một mình. Nếu đang luyện tập theo nhóm, hãy nhờ đồng nghiệp đọc cho bạn nghe.
Bài tập 4: Sử dụng tư duy trực quan hình ảnh
Hầu hết mọi người học thông qua hình ảnh trực quan, có nghĩa là họ nhớ những thứ họ nhìn thấy tốt hơn những thứ họ được kể hoặc đọc. Hình ảnh lưu lại trong tâm trí chúng ta lâu hơn nhiều so với thông tin trừu tượng. Chính vì thế, thuật ghi nhớ Mnemonics (phương pháp liên kết thông tin với các hình ảnh ngoài đời thực) gợi ý rằng người ta sử dụng tư duy trực quan hình ảnh để lưu giữ các loại thông tin khác nhau dưới dạng các hình ảnh trong não bộ. Tuy nhiên, các phiên dịch viên không mấy ưa chuộng phương pháp này do họ mất khá nhiều thời gian để nghĩ đến một hình ảnh không có thực.
Có những bài phát biểu có khả năng gợi lên những hình ảnh một cách tự nhiên, vì thế phiên dịch viên nên sử dụng tư duy trực quan hình ảnh để lưu giữ và nhớ lại. Ví dụ, phiên dịch viên của tòa án thường phải giải thích các thông tin mô tả hiện trường nhân chứng cung cấp (địa điểm, nghi phạm, vân vân). Những mô tả này thì rất thích hợp để phiên dịch viên sử dụng tư duy trực quan, từng bước hình dung các hình ảnh theo thứ tự và tái hiện toàn cảnh.
Bạn có thể hoàn thành các bài tập về tư duy trực quan hình ảnh bằng cách ghi nhớ và kể lại nội dung bài tập hoặc trong một số trường hợp, vẽ các hình ảnh liên quan trong bài. Bạn không cần phải lúc nào cũng kiểm tra việc ghi nhớ bằng ngôn từ và lời nói.
Trong bài tập này, bạn có thể sử dụng các đoạn văn miêu tả hoặc tường thuật và ghi lại đoạn văn đó nếu bạn đang luyện tập một mình. Nếu đang luyện tập theo nhóm, hãy nhờ đồng nghiệp đọc cho bạn nghe.
Bài tập 5: Phân nhỏ thông tin
Bài tập này dựa trên lý thuyết rằng ghi nhớ thông tin theo từng phần nhỏ trong nhiều lần đọc sẽ dễ dàng hơn nhớ một lượng lớn thông tin chỉ trong một lần đọc. Bài tập yêu cầu phiên dịch viên chia một phần thông tin lớn thành hai hoặc nhiều phần nhỏ hơn.
Trong bài tập này, bạn có thể thực hiện phân nhỏ một đoạn văn bản bằng lời nói hoặc viết. Bạn nên dùng các văn bản có các câu dài và nhiều thông tin, đọc một câu một lần và sau đó phân nhỏ câu đó.
Bài tập 6: Nhận biết các thông điệp không mạch lạc hoặc mơ hồ
Người nói nhiều khi không diễn đạt rõ ràng sẽ khiến các bài phát biểu không mạch lạc và rất khó nhớ. Bài tập này sẽ giúp bạn nhận ra sự không mạch lạc và mơ hồ trong một bài phát biểu, và việc nhận ra lỗi này sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ lại bài phát biểu hơn. Sau khi nghe một đoạn văn, bạn sẽ xác định và giải thích tại sao có lỗi này. Ví dụ, trong câu “João yêu cầu Miguel ngồi yên. Sau đó, anh ấy nổi giận,” chúng ta không biết từ “anh ấy” ám chỉ João hay Miguel. Khi xác định được sự không mạch lạc và mơ hồ này thì bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa lại khi phiên dịch.
Trong bài tập này, bạn sẽ cần đến những câu hoặc đoạn văn mơ hồ hoặc không mạch lạc, nên thu thập bất kỳ ví dụ nào có những lỗi này những mà bạn bắt gặp.
Bài tập 7: Ghi nhớ những thông điệp bạn không đồng ý hoặc cảm thấy bất bình
Thiên kiến xác nhận mô tả hiện tượng khi con người có xu hướng tìm kiếm các thông tin phù hợp với niềm tin hoặc giả thuyết của mình. Mọi người thể hiện thành kiến này khi họ thu thập hoặc nhớ lại thông tin một cách chọn lọc hoặc khi họ giải thích thông tin một cách thiên lệch. Ngay cả khi có người cố gắng đưa ra các giải thích và bằng chứng trung lập, mọi người vẫn sẽ chọn lọc thông tin họ muốn nhớ. Hiệu ứng này được gọi là “hồi tưởng chọn lọc”, “thiên kiến xác nhận” hoặc “ký ức truy cập thiên vị.” Tóm lại, sẽ khó hơn khi muốn ghi nhớ những thông tin đi ngược lại những gì chúng ta tin tưởng.
Một cách để xử lý tình huống như vậy là hãy đặt mình vào vị trí người nói. Khi làm như vậy, bạn sẽ tạm thời bỏ qua niềm tin và định kiến cá nhân và suy nghĩ về niềm tin và định kiến của người nói. Để thực hành bài tập này, hãy bắt đầu bằng cách tóm tắt một văn bản gây tranh cãi và sau đó chuyển sang phần “shadowing” tự do.
Lời kết
Những bài tập này là một số ví dụ để rèn luyện trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, nhận thức của mỗi người là khác nhau nên những bài tập này có thể không hiệu quả đối với tất cả mọi người. Bên cạnh đó, bạn cần dành thời gian thu thập tài liệu cho các bài tập khác nhau. Và trên hết, bạn phải hết sức kiên nhẫn vì trí nhớ cần được rèn luyện dần dần. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng kí các khóa học Biên Phiên dịch ở Trung tâm Ngoại ngữ Báo chí để nhận được hướng dẫn từ các chuyên gia phiên dịch và cùng bạn bè luyện tập các bài tập trên để cải thiện trí nhớ ngắn hạn và nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Ngọc Anh lược dịch từ nguồn: https://smartidiom.pt/en/9-exercises-to-improve-short-term-memory-while-interpreting/