Âm nhạc có thể được sử dụng cho rất nhiều hoạt động trên lớp. Chúng có thể giúp giáo viên truyền tải một số điểm ngữ pháp nhất định hoặc giúp trẻ em trở nên hào hứng hơn trong lớp học.
Tại sao nên sử dụng bài hát khi giảng dạy các lớp tiểu học?
Những bài hát thường có giai điệu mạnh mẽ và lặp đi lặp lại. Do đó học sinh tiểu học có thể dễ dàng học thuộc chúng. Các em thậm chí có thể xem những bài hát với giai điệu quen thuộc này là những bài hát yêu thích. Những bài hát cũng giúp học sinh củng cố lại kiến thức (cả về cấu trúc và từ vựng).
Những bài hát có thể giúp trẻ nhỏ tự tin hơn. Thậm chí cả những học sinh nhút nhát cũng sẽ cảm thấy thích thú khi được ca hát và nhảy múa theo nhạc cùng các bạn.
Nhiều bài hát có thể giúp phát triển trí nhớ và khả năng tập trung, cũng như khả năng phối hợp nhịp nhàng của cơ thể (ví dụ như khi trẻ múa theo nhạc). Đối với giáo viên, âm nhạc là một công cụ hữu ích giúp khởi động lớp học; hơn nữa, chúng phù hợp với mọi chủ đề học tập của lớp học.
Sau đây là một vài cách hay để bạn có thể sử dụng những bài hát trong lớp một cách thông minh.
1. Để củng cố các điểm ngữ pháp
Một vài bài hát rất phù hợp để sử dụng trong giảng dạy hoặc để củng cố các điểm ngữ pháp. Chúng có thể được tích hợp vào các bài giảng; với trọng tâm là một một điểm ngữ pháp cụ thể nào đó. Nhờ đó giúp bài học trở nên đa dạng, đồng thời hỗ trợ cho mục tiêu chính của bài giảng. Đặc biệt là ở những trình độ thấp hơn, khi học sinh vẫn đang học những cấu trúc ngữ pháp cơ bản, những bài hát có thể đóng vai trò là như kiến thức đầu vào.
Có rất nhiều bài hát có thể được sử dụng để phục vụ mục đích này. Ví dụ bài hát “Quiet please” sẽ rất hữu ích trong việc luyện tập cấu trúc ‘Can I have…?’ và các cụm từ khác thường được sử dụng trong lớp học.
2. Dạy từ vựng theo chủ đề
Nghiên cứu về khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ nhỏ cho thấy rằng một từ vựng phải được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trước khi chúng đi được vào tâm trí của trẻ nhỏ. Sử dụng các bài hát là một cách tuyệt vời để lặp lại và củng cố vốn từ vựng. Âm nhạc có thể phù hợp với trẻ em ở mọi trình độ.
Ví dụ: bài hát “Pizza and chips” có giai điệu lặp đi lặp lại rất đơn giản và có thể được dùng để dạy các ngày trong tuần. Bài hát này có thể được sử dụng với những học viên nhỏ tuổi để củng cố kiến thức về các ngày trong tuần, cũng như làm cơ sở cho các bài học sau:
Âm nhạc có thể phù hợp với mọi chủ đề và cách tiếp cận khác nhau. Chủ đề động vật chiếm một phần lớn trong chương trình học của trẻ em. Có rất nhiều bài hát có thể được sử dụng cho chủ đề này, chẳng hạn như bài hát truyền thống ‘Old MacDonald had a farm’.
‘People work’ cũng là một bài hát hấp dẫn để dạy từ vựng về công việc. Một điều thú vị của bài hát này là tên của những nhân vật trong bài hát thì có vần với công việc của họ.
3. Rèn luyện kỹ năng nghe
Những bài hát dài hơn với nhiều cấu trúc và từ vựng phong phú rất phù hợp cho việc phát triển kỹ năng nghe tổng thể. Ví dụ, bài hát “The ballad of Lisa the lemur” là một câu chuyện dựa trên chủ đề về rừng nhiệt đới, các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường nói chung. Mặc dù khá dài, giai điệu này rất thú vị và hấp dẫn.
Một số bài hát được liên kết với những câu chuyện mà người học của bạn có thể đã quen thuộc, chẳng hạn như câu chuyện truyền thống về Goldilocks và ba con gấu. Bài hát ‘The Goldilocks song’ là một bài hát dựa trên câu chuyện trên,
4. Hát
Nhiều bài hát phù hợp để cả lớp cùng hát hoặc cho mỗi cá nhân hát theo. Lợi ích của âm nhạc là giúp cả lớp đều có thể tham gia các hoạt động, đặc biệt nếu được hát kết hợp với các động tác hoặc diễn kịch. Phương pháp phản xạ toàn thân (The total physical response) đặc biệt phù hợp với những học viên nhỏ tuổi.
Trẻ em thích ca hát và hoạt động này giúp học sinh hứng khởi hơn. Ca hát cũng có thể cải thiện cách phát âm và ngữ điệu của người học. Ở cấp tiểu học, việc dạy từ vựng thường tập trung vào các từ đơn riêng rẽ. Các bài hát cho phép học sinh học các cụm từ có nghĩa thay vì các từ đơn lẻ, cũng như tìm hiểu về cách cách đọc nối âm của các từ. Các bài hát truyền thống đặc biệt hữu ích để phát triển khả năng phát âm. Chúng giúp học sinh nhỏ tuổi làm quen với âm thanh của ngôn ngữ.
Trước khi nghe
Bạn có thể cho học sinh khởi động trước khi nghe nhạc bằng cách cung cấp một số kiến thức đầu vào. Bạn có thể làm điều này bằng cách sử dụng hình ảnh của các mục từ vựng chính trong bài hoặc sử dụng những vật thể thực tế. Ví dụ: Đối với ‘Old MacDonald had a farm’, bạn có thể luyện từ vựng về động vật bằng thẻ ghi nhớ hoặc đồ chơi là các con vật nhỏ. Đối với ‘The Goldilocks song’, bạn có thể cung cấp một số đồ gia dụng, ví dụ: ba cái bát và dao kéo.
Các hoạt động khác có thể sử dụng như:
- Các bé sẽ phải dự đoán hoặc đoán các từ của một bài hát, chẳng hạn như dự đoán các con vật trong bài hát “We’re going to the zoo”.
- Cố gắng đoán những từ còn thiếu trong bài hát..
- Cố gắng sắp xếp các dòng lộn xộn của một bài hát theo thứ tự.
- Khoanh tròn hoặc đánh dấu vào bức hình những gì có trong bài hát.
- Yêu cầu các bé sắp xếp lại các hình ảnh hoặc từ ngữ trong khi nghe..
- Hoàn thành những chỗ trống.
- Sắp xếp lại lời bài hát.
- Yêu cầu các bé nối các nửa câu lại với nhau.
- Giáo viên có thể đưa ra nhận định đúng / sai.
Trong khi nghe
Khi bạn giới thiệu bài hát, hãy cho phép học sinh xem và nghe bài hát một vài lần để làm quen với giai điệu. Yêu cầu trẻ chỉ vào bất kỳ hình ảnh hoặc đồ vật nào trong lớp mà các bé nghe được trong bài hát. Trẻ em thường tự bắt đầu nhẩm theo những bài hát. Thực hiện các động tác đệm theo bài hát là một cách hay để khuyến khích các em hát.
Bài hát ‘If you happy and you know it‘ là một bài hát có các động tác vui nhộn giúp trẻ làm quen với cách này. Đối với hầu hết các bài hát, bạn có thể sáng tạo ra các động tác múa kèm theo cho từng câu, từng từ trong lời bài hát – bạn cũng có thể yêu cầu học sinh giúp bạn sáng tạo ra các động tác múa!
Sau khi nghe
Nhiều bài hát có chủ đề riêng cụ thể, nhờ đó mà chúng có thể được sử dụng như chất xúc tác cho các hoạt động đọc và viết tiếp theo, chẳng hạn như thay đổi từ hoặc thêm câu. Ví dụ: “Old MacDonald had a farm“, lời bài hát có thể được điều chỉnh thành “Old MacDonald had a zoo“.
Nhiều bài hát cũng giúp hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật và thủ công sáng tạo. Ví dụ: với ‘Old MacDonald had a farm’, bạn có thể làm một bức tranh treo tường trong lớp học về các động vật trong nông trại. Hoặc đối với bài hát ‘the scary skeleton’’, trẻ em có thể tạo bộ xương giống như trong bài hát.
Một số bài hát có thể được sử dụng để diễn kịch, ví dụ như bài “The Goldilocks song”. Bạn có thể thiết kế mặt nạ và kịch bản để sử dụng cho việc đóng kịch cho bài hát.
Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là học sinh có thể nghe và hát lại một lần nữa!
Phạm Hằng lược dịch từ teaching English
Tham khảo các khóa học tại đây.