Chúng ta đều biết giáo viên có rất nhiều công việc cần phải xử lý, hơn nữa lớp học đã có các buổi họp phụ huynh học sinh thì liệu một buổi học có sự tham gia của cha mẹ học sinh có cần thiết hay không? Tuy nhiên, hãy nhớ rằng lớp học của bạn có quá nhiều chi tiết để một giáo viên có thể quản lý hết và các bậc cha mẹ có thể đóng vai trò hỗ trợ vô cùng đắc lực. Các phụ huynh ở nhà thường khó hình dung những vấn đề thường gặp trong lớp học nên cho họ tham gia một vài tiết sẽ giúp cải thiện hiệu quả hợp tác giữa gia đình và nhà trường, cụ thể hơn:
Phụ huynh có tiềm năng tác động rất lớn đối với việc học của một đứa trẻ, do đó giáo viên cần tạo cơ hội để phụ huynh tham gia trực tiếp vào lớp học để tăng hiệu quả dạy học.
Phụ huynh sẽ có cơ hội để quan sát cách làm việc cũng như cách bạn giao tiếp với con của họ.
Phụ huynh sẽ trải nghiệm được chương trình học của bé qua đó hiểu được những khó khăn mà bé có thể gặp phải.
Thường thì các tiết học mở sẽ được tổ chức vào đầu khóa học hoặc đầu học kì và góp phần làm cho các bậc phụ huynh thấy những hoạt động trong lớp của con mình. Mặc dù đây là một cơ hội quý báu, bạn nên nhớ phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng để tạo hình ảnh một giáo viên chuyên nghiệp, lành nghề trong mắt phụ huynh. Tôi xin cung cấp một vài mẹo nhỏ sau để giúp bạn tổ chức một buổi học mở thành công:
1.Gửi thiệp mời cho từng phụ huynh
Đây là việc cần làm để phụ huynh có thời gian sắp xếp công việc trước khi tham gia. Bạn có thể cho học sinh tự thiết kế thiệp mời hoặc đơn giản hơn là gửi mail cho phụ huynh. Trên thư cần có họ, tên phụ huynh, họ tên giáo viên, tên trường, phòng học và giờ giấc buổi học.
2.Chuẩn bị bài giới thiệu
Bạn nên soạn sẵn mọi thứ cần phải nói. Phụ huynh sẽ quan tâm tới chương trình học và học sinh của lớp nhưng họ cũng sẽ quan tâm tới giáo viên đứng lớp, vì vậy hãy giới thiệu đôi điều về bản thân như nơi bạn sinh ra và lớn lên, học vấn và triết lý dạy học của bạn. Cuối cùng, đừng quên nhắc đến những mục tiêu mà bạn đề ra cho khóa học. 10 phút là khoảng thời gian lý tưởng cho bài giới thiệu của bạn, sau đó thì bạn nên bắt đầu bài học.
3.Chuẩn bị mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ
Hình ảnh của lớp học và vẻ ngoài của bạn sẽ tạo ấn tượng đầu tiên về lớp học, vì vậy đừng ăn mặc luộm thuộm. Giáo viên nam có thể mặc vest hoặc đơn giản hơn là áo sơ mi quần tây và caravat, giáo viên nữ thì trang phục công sở là đủ chỉnh tề. Ngoài ra hãy chuẩn bị cho lớp học gọn gàng, sạch sẽ và đầy đủ vật dụng cần thiết. Bạn nên treo một tấm bảng chào mừng trước phòng học để phụ huynh biết đó là phòng của con mình. Nhớ nhắc phụ huynh ký tờ điểm danh và cung cấp cho họ những dụng cụ cần thiết. Cuối cùng, bạn nên trang trí bảng thông tin lớp học và đảm bảo rằng ai cũng có chỗ ngồi.
4.Tài liệu và nội dung
Phát sách giáo khoa và chuẩn bị mỗi bàn học một tập tài liệu của học sinh, bao gồm các bài làm của học sinh đó. Bảng thông tin cũng nên được trang trí bằng các bài làm và dự án nhỏ của học sinh cũng như các poster nhiều màu sắc.
5. Đón phụ huynh và học sinh
Hãy đứng tại cửa để tiếp đón, bắt tay từng người và giới thiệu bản thân nếu đó là lần đầu gặp mặt. Ngoài ra thì việc phát bảng tên cho từng phụ huynh cũng khá tốt.
6. Phần giới thiệu
Bạn chỉ cần giới thiệu ngắn gọn những nội dụng mà học sinh đã học cũng như các mục tiêu học tập trong tương lai. Bên cạnh đó, hãy mời phụ huynh nán lại sau giờ học để họ có thể quan sát hoạt động lớp cũng như việc học của con cái.
7. Hoạt động
Hãy dành thời gian để tổ chức các hoạt động trong lớp cho các bé nhằm cho phụ huynh thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ của con mình. Hãy chọn các hoạt động vui nhộn và quen thuộc với học sinh của bạn. Nhớ dạo quanh lớp để hỗ trợ các em cũng như tương tác với phụ huynh.
Hãy lưu ý một điều là buổi học mở không phải là một buổi họp phụ huynh, vì vậy các vấn đề của từng học sinh nên được đề cập vào một buổi khác. Lớp học mở cần mang lại một cảm giác gần gũi và thoải mái cho phụ huynh cũng như học sinh.
Trích dẫn từ cuốn You, The Super Teacher, HORIZON TESOL lược dịch.
Tham khảo khóa học TESOL tại đây.