9 lỗi dịch thuật phổ biến

Ngay cả những dịch giả có kinh nghiệm nhất cũng mắc lỗi trong quá trình dịch thuật. Dịch thuật bất kỳ loại tài liệu nào cũng là một công việc phức tạp, đòi hỏi kỹ năng, độ chính xác và khả năng viết tốt. Điều này bao gồm sự hiểu biết sâu rộng về cú pháp, thuật ngữ, thành ngữ và thậm chí cả văn hóa của nơi ngôn ngữ cụ thể được sử dụng và điều này luôn đúng bất kể đó là dịch tài liệu hay bất kỳ lĩnh vực dịch thuật nào khác.

Tuy nhiên, thông thường, các dịch giả có thể cảm thấy khó khăn để thực hiện tốt công việc dịch thuật vì họ chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc chưa nhận thức đầy đủ các yêu cầu của công việc. Trong bài viết này, hãy cùng xem xét 9 lỗi dịch thuật phổ biến nhất của người dịch.

1. Giao tiếp không hiệu quả

Khi bạn giao tiếp kém với khách hàng, điều đó có thể gây ra sự hiểu lầm cho cả hai bên vì bạn không hiểu yêu cầu của họ cũng như họ không nhận ra giới hạn của bạn. Do đó, điều quan trọng là bạn phải duy trì một phương liên lạc rõ ràng và đừng ngần ngại liên lạc với khách hàng nếu có thắc mắc. Điều này sẽ giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn.

2. Dịch từng từ

Dịch thuật là chuyển đổi ngôn ngữ từ một văn bản nguồn sang một văn bản mới bằng một ngôn ngữ khác nhưng không làm thay đổi ý nghĩa của văn bản và không được dịch nguyên văn. Dịch từng tự sẽ tạo ra những câu dịch khá buồn cười hoặc không có nghĩa trong ngôn ngữ đích.

Mỗi ngôn ngữ có cách xây dựng câu hoặc cú pháp riêng; trong một số ngôn ngữ, vị trí của tính từ hay các nguyên tắc thỏa thuận động từ chủ ngữ có thể khác nhau. Thành ngữ, tục ngữ cũng cần được xử lý cẩn thận – nếu dịch nguyên văn, nó có thể không có nghĩa gì gần với bản gốc.

3. Dùng từ không chính xác

Điều này thường xuyên xảy ra với những người dịch thiếu kinh nghiệm vì họ có thể sử dụng các từ trong ngữ cảnh không chính xác. Có một số từ, cụm từ và thuật ngữ không có từ tương đương trong ngôn ngữ đích. Trong những trường hợp như vậy, tốt hơn hết là bạn nên giữ nguyên từ ngữ nguyên bản hơn là tìm một từ trong ngôn ngữ đích để thay thế. Không phải từng từ đều phải được dịch!

Điều này đặc biệt đúng đối với dịch thuật tài liệu pháp lý vì có một số cụm từ tiếng Latinh hoặc tiếng Pháp vẫn được dùng ngay cả trong tài liệu tiếng Anh hoặc tại các tòa án-nơi mà tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng.

4. Phóng đại ý nghĩa của từ

Một số dịch giả đôi khi phóng đại nghĩa của một số từ. Tuy nhiên, điều này là không cần thiết và không được đánh giá cao nếu bạn đang dịch tài liệu có nhiều thuật ngữ phức tạp. Quan trọng là bạn phải hiểu khách hàng cần gì để tiến hành dịch thuật cho phù hợp.

Hãy giữ cho ngôn ngữ đơn giản nếu khách hàng yêu cầu hoặc nội dung bạn đang dịch là các hướng dẫn hoặc sách hướng dẫn. Nếu đó là một tác phẩm văn học sắp được xuất bản, hãy hỏi khách hàng về những tiêu chuẩn xuất bản bắt buộc.

5. Sử dụng giọng văn và phong cách không chính xác

Mỗi tài liệu có một phong cách viết nhất định và dịch giả có hiểu biết về phong cách ấy. Nếu bạn không có kinh nghiệm chọn văn phong phù hợp, sản phẩm dịch có thể là một thảm họa.

Ví dụ, bạn không thể dịch các tài liệu pháp lý và báo cáo y khoa hoặc kịch bản phim theo cùng một phong cách. Mỗi lĩnh vực dịch thuật có phong cách ngôn ngữ riêng. Nếu bạn không sử dụng đúng văn phong phù hợp, ý nghĩa sẽ không được truyền tải đúng.

Giọng văn phù hợp cũng rất quan trọng. Ngay cả việc sử dụng dấu câu cũng khác nhau giữa các ngôn ngữ. Một dấu phẩy được sử dụng trong tiếng Anh có thể không cần thiết trong tiếng Tây Ban Nha. Quan trọng là bạn phải biết sắc thái của mỗi ngôn ngữ để thực hiện tốt công việc dịch thuật. Một điều khác bạn cần nhớ là các định dạng ngày và giờ. Bạn cần sử dụng định dạng nào? 24 giờ hay am/pm? Bạn có cần viết ngày tháng dưới dạng ngày/ tháng/ năm hoặc tháng/ ngày/ năm hay có định dạng nào khác được sử dụng trong ngôn ngữ đích không? Đơn vị tiền tệ được viết như thế nào? Đây có vẻ là những điều nhỏ nhặt nhưng chúng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.

6. Không thành thạo ngôn ngữ bạn đang dịch

Bạn thực sự cần phải thành thạo cả hai ngôn ngữ mà bạn đang dịch để có thể thực hiện công việc dịch thuật một cách tốt nhất. Nếu bạn chấp nhận dịch một ngôn ngữ mà bạn biết nhưng không thực sự thành thạo, bạn có nguy cơ mắc lỗi dịch thuật và điều này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng và cơ hội trong tương lai của bạn.

7. Nhận việc ngoài tầm kiểm soát

Hầu hết các dịch giả chuyên nghiệp trung bình có thể xử lý khoảng 2000 từ mỗi ngày. Tất nhiên con số này có thể thay đổi. Chẳng có ích lợi gì khi bạn nhận quá nhiều việc để rồi không thể hoàn thành như đã hứa. Ngoài việc căng thẳng và mệt mỏi, sức khỏe của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến những sai lầm dịch thuật không thể sửa chữa.

8. Nhận dịch các tài liệu không thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn

Với tư cách là một dịch giả, bạn chỉ nên nhận công việc thuộc lĩnh vực mà bạn quen thuộc. Kinh nghiệm và chuyên môn sẽ là yếu tố giúp bạn làm việc xuất sắc trong chuyên ngành của bạn. Một số có thể chuyên dịch các tác phẩm văn học, tài liệu pháp lý, tài liệu kỹ thuật, kịch bản phim hoặc tài liệu y khoa. Vì vậy, bạn chỉ nên nhận công việc khi đã có chuyên môn về cả hai lĩnh vực này.

Mỗi lĩnh vực dịch thuật có phong cách và giọng điệu riêng. Và thậm chí cả những thuật ngữ có thể khá khó nếu bạn không quen thuộc với chủ đề này.

9. Không cập nhật cái mới

Công nghệ luôn phát triển và ngôn ngữ cũng vậy. Từ mới, thuật ngữ và thành ngữ mới liên tục xuất hiện. Điều quan trọng là phải cập nhật những cái mới để vận dụng được vào trong công việc của mình. Học là việc quan trọng đối với người dịch, để bạn không hoang mang khi nhìn thấy một từ mới.

Liên hệ với Trung tâm Ngoại ngữ Báo Chí JFL để tham gia các khóa học chuyên sâu nhé! (tesolcourse.edu.vn)

Xuân Nguyên lược dịch từ https://www.translateday.com/translation-mistakes/

 

DMCA.com Protection Status