NGHỀ PHIÊN DỊCH Ở AI CẬP CỔ ĐẠI

Phiên dịch học thuật được cho rằng xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ 20. Tuy nhiên, hàng tỉ người Do Thái, Công giáo và Hồi giáo hiểu về nguồn gốc của ngành này sớm hơn ai hết. Hình tượng phiên dịch viên xuất hiện lần đầu tiên trong câu chuyện trong Kinh thánh về Joseph – người con trai yêu dấu của Jacob. Joseph bị những người anh em đố kị và ghen ghét với ông bán sang Ai Cập làm nô lệ. Tuy nhiên, nhờ vào hồng ân của Thiên Chúa, Joseph đã vươn lên thành cánh tay đắc lực của Pharaoh và trở thành người cai quản khu vực buôn bán ngũ cốc. Khi mùa màng ở Israel thất thu, những người anh em của Joseph đành phải lặn lội đến Ai Cập tìm mua ngũ cốc, nhưng họ không nhận ra ông. Nhận ra những kẻ từng phản bội mình, Joseph đã đặt ra một chuỗi thử thách để thử xem họ đã thực sự ăn năn hối cải hay chưa. Cuối cùng, Joseph quyết định tha thứ cho họ và cùng nhau chuyển đến Ai Cập để hưởng phần gia tài kếch xù.
Một trong những nguyên nhân khiến anh em của Joseph không nhận ra ông, đó là vì với cương vị một quan chức Ai Cập, Joseph trao đổi với những thương nhân ngoại quốc thông qua một phiên dịch viên. Theo Sáng thế ký, “những người anh em không nghĩ rằng Joseph có thể hiểu được những gì họ nói, bởi vì ông đang sử dụng một phiên dịch viên”.

1. Việc phiên dịch đã được đưa vào bộ máy hành chính của người Ai Cập

Giống như người Israel, giao thương là một trong những lĩnh vực giúp người Ai Cập giao lưu, trao đổi với những người sử dụng ngôn ngữ khác. Ngoài ra, họ còn tiếp xúc với người ngoại quốc qua các hoạt động ngoại giao và bắt giữ tù binh. Và để đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa các nền văn hóa ở Châu Phi và Trung Đông, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng những người phiên dịch trong bộ máy hành chính của họ.
Những bằng chứng sớm nhất về việc người Ai Cập sử dụng phiên dịch viên có ở những lăng mộ của các vị hoàng tử ở Elephantine, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Các hoàng tử là những thống đốc cai quản các tỉnh có biên giới giáp với lãnh thổ của người Nubia ở phía nam Ai Cập. Các chức danh của họ bao gồm “cố vấn tuyệt mật cho các hoạt động thương mại liên quan đến khu vực phía Nam của Thượng Ai Cập”, “người cai quản các vùng đất phía Nam của Thượng Ai Cập” và “người mang lại phồn vinh cho lãnh chúa của mình và kẻ gieo rắc nỗi sợ nhân danh thần Horus đến các vùng ngoại quốc”.

Để giao tiếp với những người không phải là người Ai Cập, các thống đốc tuyển những phiên dịch viên về làm việc cho mình, vì thế họ còn có chức danh là “người giám sát các Dragoman”. “Dragoman” là một từ dùng để chỉ các “phiên dịch viên”.
Nhà Ai Cập học đầu tiên giải mã được thông điệp từ các bản khắc, đã nhấn mạnh rằng “Dragoman” có thể chỉ bất kỳ “người nói tiếng ngoại quốc” nào. Chính vì thế, nhiệm vụ của các phiên dịch viên không chỉ bị gói gọn trong việc chuyển ngữ, mà còn bao gồm việc duy trì các hình thức liên lạc khác nhau với người ngoại quốc.

2. Bức phù điêu phiên dịch viên trong lăng mộ của pharaoh Horemheb

Một bảng mô tả công việc của phiên dịch viên được khắc trên một bức phù điêu trong lăng mộ của Horemheb, có niên đại từ thế kỷ thứ 14 trước Công Nguyên. Horemheb là một vị tướng dưới trướng Tutankhamun trước khi ông trở thành pharaoh. Bức phù điêu này khắc họa hình ảnh những sứ thần đến từ Libya, Nubia và Syria đang quỳ lạy trước Horemheb. Theo như nội dung những câu khắc thì các sứ thần này đang cầu xin người Ai Cập gửi quân đến bảo hộ vùng đất của họ, vì những người dân ở đó phải sống trong một môi trường quá khắc nghiệt và cực khổ.

Giữa Horemheb và các sứ thần, chúng ta thấy một phiên dịch viên đang làm việc. Hình ảnh này mô tả rõ quá trình chuyển ngữ: người phiên dịch xuất hiện hai lần, một lần đối mặt với Horemheb và một lần đối mặt với các sứ thần. Chúng ta có thể thấy hình ảnh người phiên dịch lần lượt nghiêng người về phía từng người trong cuộc đối thoại, thể hiện rõ nét linh động trong dịch thuật.
Đáng buồn thay, con người hiện đại không thể nhìn được khung cảnh phiên dịch này một cách hoàn chỉnh vì bức phù điêu đã bị chia thành nhiều mảnh và bán cho các du khách Châu Âu vào thế kỷ 19. Ba phần tạo nên bức phù điêu phiên dịch ngày nay được đặt trong các viện bảo tàng ở Berlin, Leiden và Vienna.

3. Đào tạo đội ngũ phiên dịch viên

Những ghi chép cho chúng ta thấy rằng, trong một khoảng thời gian dài, người Ai Cập không hề muốn học ngôn ngữ khác. Tương đồng với tư duy Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu ngày nay, người Ai Cập cũng cảm thấy rằng chỉ cần nói tiếng mẹ đẻ là đủ. Chỉ có những ai không phải người Ai Cập mới mong muốn có khả năng song ngữ và học tiếng Ai Cập.
Mặc dù họ đề cao đẳng cấp của mình, người Ai Cập cũng không muốn để công việc dịch thuật rơi vào tay người ngoại quốc. Chính vì thế, họ tạo ra một hệ thống đào tạo đội ngũ phiên dịch viên không chỉ có khả năng song ngữ mà còn am hiểu sâu sắc về bản sắc dân tộc họ. Kể từ thời Trung Vương quốc (năm 2040 – 1782 TCN), họ triển khai hệ thống đào tạo bằng cách đưa những người con trai từ các gia đình hoàng tộc ngoại quốc đến Ai Cập khi còn rất nhỏ để họ có thể học ngôn ngữ Ai Cập cũng như cách giao tiếp xã hội. Từ đó giúp họ có thể trở thành những người phiên dịch giỏi.

Chỉ đến khi đế chế Ai Cập bắt đầu suy tàn, người Ai Cập mới bắt đầu học ngoại ngữ. Từ thế kỷ thứ 6 TCN, những bé trai người Ai Cập được gửi đến các gia đình Hy Lạp với mong muốn rằng các cậu bé có khả năng nói cả tiếng Ai Cập và Hy Lạp. Nhà sử học Hy Lạp Herodotus cho biết, từ thế kỷ thứ 4 TCN, những hậu duệ của họ đã tụ họp lại thành một tầng lớp phiên dịch viên, có địa vị được xếp ở giữa thương nhân và thuyền viên.

4. Phiên dịch nhường ngôi cho đa ngôn ngữ

Quyền lực của các vị pharaoh dần dần suy yếu và Ai Cập trở thành một quốc gia đa ngôn ngữ. Sau cuộc chinh phạt của người Ba Tư vào năm 525 TCN, tiếng Aram thay thế tiếng Ai Cập trở thành ngôn ngữ chính. Và với cuộc chinh phạt của Alexander đại đế vào năm 332 TCN, tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ tiếp theo thống trị Ai Cập. Khi các Pharaoh còn nhiều quyền lực, họ giao lại cho các cận thần công việc phiền phức là giao tiếp với các nền văn hoá. Nhưng Cleopatra, pharaoh cuối cùng của Ai Cập, người qua đời năm 30 TCN và kết thúc hơn 5000 năm văn minh Ai Cập, thì khác. Ngoài tiếng Ai Cập và Hy Lạp, bà còn biết ít nhất 7 ngôn ngữ khác. Theo như quyển Cuộc đời của Antony của nhà tiểu luận Plutarch thì, “trong những cuộc gặp mặt với các người Man di, bà ít khi dùng đến phiên dịch viên và có thể tự mình trả lời hết tất cả câu hỏi, mặc cho đó có là tiếng Etiopia, tiếng Do Thái, Ả Rập, tiếng Syria, tiếng Media hay tiếng Parthia.”

Tham khảo thêm về các khóa học TESOL DIPLOMA cấp bằng của Hội Nghiên Cứu Giảng Dạy Tiếng Anh TP.HCM để nhận ngay học bổng 20% bạn nhé!

Xem thêm các bài viết khác của Horizon TESOL tại đây.

Lược dịch từ: https://www.languageonthemove.com/the-interpreting-profession-in-ancient-egypt/
Triển Lương lược dịch

 

DMCA.com Protection Status