Có những quy tắc vàng cần tuân thủ để việc giảng dạy ngữ pháp đạt được hiệu quả tốt nhất. Nhưng chẳng may là hầu như mọi người đều không biết đến chúng. Vì vậy, hãy để Horizon TESOL chia sẻ cho các bạn một vài ý kiến cá nhân mà chúng tôi đã cố gắng tóm gọn hết sức có thể:
1/ Lý thuyết ngữ pháp
Có rất nhiều lý thuyết xoay quanh vấn đề này, tuy nhiên phần lớn lại khá mâu thuẫn với nhau. Tất nhiên là chúng cũng có giá trị, theo như lời của Mark Twain, rằng “các nghiên cứu của hàng loạt nhà phê bình đã làm cho chủ đề này trở nên tối tăm hơn rất nhiều, và nếu họ cứ tiếp tục thì tất cả chúng ta sẽ sớm mù tịt về nó.” Dẫu không giúp ích được gì nhưng thực ra tất cả những điều kể trên cũng tùy thuộc. Người học có những phản hồi khác nhau về việc giảng dạy ngữ pháp: một số cảm thấy vô cùng hữu ích, số còn lại thì không. Ngữ cảnh và mục đích của việc học cũng rất đa dạng. Và bởi vì ‘ngữ pháp’ còn liên quan đến rất nhiều điều khác nữa nên việc cố gắng khái quát hóa phương pháp giảng dạy chúng thật sự vô cùng khó khăn.
2/ Những lời diễn giải
Nhìn chung, cá nhân người viết quả thật có chút không đồng tình với những ai chống đối với việc đưa cho học sinh những quy tắc. Lời giải nghĩa về cách các sự vật vận hành vẫn luôn hữu ích, hơn nữa chúng cũng cần phải thật rõ ràng và đơn giản: cái gì quá nhiều vẫn thường không tốt, cả trong việc học ngôn ngữ lẫn trong đời thực. Hầu hết mọi người đều luôn thấy khó chịu mỗi khi nhìn thấy bất kỳ phần giải thích nào dài hơn hai hoặc ba dòng chữ. Những thứ như thế nên được viết bằng tiếng mẹ đẻ của người học nếu có thể. Một vài quan điểm có thể dễ dàng được tiếp thu dưới dạng quy nạp, phần còn lại thì có lẽ không.
3/ Ví dụ
Các ví dụ đầy tính thực tế đóng vai trò rất quan trọng thế nhưng chúng lại không thể nào thay thế được những lời diễn giải – một mẩu ví dụ sẽ chẳng bao giờ cho bạn biết chính xác nó là ví dụ cho vấn đề gì được. Lựa chọn những tài liệu chính gốc một cách phù hợp – giả dụ như những mẩu quảng cáo, phim hoạt hình, bài hát, thơ ca, tin tức v.v… – có thể làm phần ví dụ trở nên dễ nhớ và in sâu vào trong trí óc của người học sinh hơn. Bản thân tôi thấy việc học thuộc ví dụ rất hữu ích – chúng đóng vai trò như một con đường dẫn tới những vế và câu tương tự – tôi nghĩ có rất nhiều người học đồng tình với ý kiến này của mình.
4/ Bài tập
Sự đa dạng đích thị là điểm mấu chốt. Những dạng bài tập máy móc thật chất cũng chẳng có gì tệ – điền vào ô trống, chuyển đổi câu v.v… Chúng có thể giúp người học rút ra được hình thức của những cấu trúc phức tạp ngay từ lúc bắt đầu mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều về ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên việc triển khai những hoạt động vận dụng các cấu trúc bằng những cách thú vị và thực tế hơn cũng vô cùng quan trọng. Cá nhân người viết rất thích các hoạt động giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức về cấu trúc như trò chơi câu đố, đóng vai, hoạt động liên quan đến hình ảnh hoặc cú pháp, các dạng bài tập yêu cầu người học phải vận dụng cấu trúc để nói về bản thân và ý kiến của họ, dạng bài tập kết hợp luyện tập ngữ pháp và từ vựng, các hoạt động yêu cầu tra cứu internet và còn rất nhiều nữa.
5/ Bổ sung thêm những kiến thức ngoài giáo trình
Những cuốn giáo trình thường không cung cấp đủ kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó. Các hoạt động thực hành cần được triển khai nhiều hơn tại lớp chẳng hạn như làm việc theo nhóm và làm việc theo cặp. Ngoài lớp, việc sử dụng những tài liệu rèn luyện ngữ pháp cũng sẽ giúp ích rất nhiều.
6/ Vận dụng
Vấn đề thật sự, tất nhiên, là làm cho người học có thể vận dụng được những kiến thức ngữ pháp đã học từ môi trường luyện tập có kiểm soát sang ứng dụng ngẫu hứng tại đời thực. Thần kinh họ có thể căng như dây đàn để kiểm soát thật tốt các bài tập ngữ pháp vào sáng thứ ba nhưng lại mất kiểm soát hoàn toàn trong cuộc thảo luận vào trưa chiều thứ sáu. Thật lòng mà nói, chúng ta cần phải sống với một điều đáng thất vọng: những người học tiếng nước ngoài sẽ không bao giờ đạt được đến trình độ hoàn toàn thành thục. Chúng ta chắc chắn luôn cần phải quay trở về những điểm ngữ pháp mấu chốt, ôn tập chúng, luyện tập chúng trong những hoạt động nói và viết có chủ đích, sửa những lỗi sai từ các nguồn mà bản thân thấy đáng tin cậy cũng như hữu dụng, thế nhưng chúng ta sẽ khó mà có thể sử dụng chính xác hoàn toàn. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải tôn trọng quyết định của người học sinh. Nếu họ đã nằm lòng khi nào cần thêm -s cho ngôi thứ ba, đã luyện tập nhuần nhuyễn, đã sửa những lỗi hay mắc phải nhưng vẫn tiếp tục phạm lại những lỗi sai ấy thì đó hoàn toàn là sự lựa chọn của họ. Chúng ta cũng không nên lãng phí thêm thời gian cho việc đó nữa, bằng không là hãy tự phạt chính bản thân mình vì chúng ta đã không cho phép học sinh được làm những gì họ muốn. Bởi vì, bạn biết đó, cuộc sống này quá ngắn ngủi mà.
Tìm hiểu thêm khóa đào tạo kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại đây.