Recap Hội Thảo Khoa Học Quốc Gia 2025: Những Xu Hướng Mới Trong Dạy Và Học Ngoại Ngữ 

Ngày 17/5/2025, Trường Đại học Bình Dương phối hợp cùng Horizon TESOL đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Những xu hướng mới trong dạy và học ngoại ngữ”, quy tụ hơn 300 giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục trên toàn quốc.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang tái định hình toàn bộ nền giáo dục, hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng nhằm phản ánh, đánh giá và định hướng lại các phương pháp, công cụ và triết lý trong giảng dạy ngoại ngữ. Các tham luận được trình bày không chỉ mang tính lý luận sâu sắc mà còn có tính ứng dụng cao, mở ra các góc nhìn mới mẻ về việc dạy và học ngoại ngữ trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), học tập đa phương thức (multimodal learning) và ngữ cảnh hoá kiến thức.

Dạy và học ngoại ngữ trong thời đại số: Sự tương tác đa chiều giữa công nghệ, người dạy và người học

Ngay từ chủ đề, hội thảo đã đặt ra một cặp phạm trù không thể tách rời: dạy và học – hai trục trung tâm của bất kỳ tiến trình giáo dục nào. Trong bối cảnh chuyển đổi số, mối quan hệ này không còn mang tính tuyến tính (giáo viên truyền đạt – người học tiếp thu), mà trở nên đa chiều, liên tục tái cấu trúc theo các mô hình học tập mới.

6 tham luận tại hội thảo đã thể hiện sự đa dạng trong cách tiếp cận – từ công nghệ, ngữ cảnh, lý thuyết học tập đến phân tích diễn ngôn – cho thấy “dạy” và “học” giờ đây là hai tiến trình tương tác, tương tác với công nghệ, với môi trường, và trên hết là với chính người học.

AI làm thay đổi bản chất của dạy và học ngoại ngữ như thế nào?

Điển hình cho sự tái định nghĩa vai trò người dạy tham luận trọng điểm của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM), với tiêu đề:

“AI-Powered Language Learning: Innovations, Impacts, and Reflections from TARI AI Integration at HUFLIT University.”

Thông qua mô hình thực nghiệm TARI AI đang triển khai tại HUFLIT, tham luận chỉ ra rằng AI không đơn thuần là công cụ hỗ trợ, mà là đối tác học tập có khả năng tái cấu trúc quá trình giảng dạy và tiếp nhận kiến thức. Vai trò của giáo viên từ “người cung cấp kiến thức” trở thành “người đồng hành (mentor)” – định hướng cách ứng dụng AI hiệu quả, từ đó người học có khả năng học tập chủ động, có khả năng lựa chọn lộ trình và phương thức tiếp cận ngôn ngữ phù hợp với cá nhân.

Sự chuyển dịch vai trò này không chỉ là xu hướng mà là tất yếu, nhất là trong bối cảnh người học ngày nay tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua đa phương tiện, mạng xã hội, chatbot, và các hệ thống học ngôn ngữ tự động.

TÌM HIỂU THÊM: THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ BUỔI HỘI THẢO KHOA HỌC XÃ HỘI 2025

Ngữ cảnh, triết lý và mô hình học tập: Tái thiết lập trải nghiệm lớp học ngôn ngữ

Một điểm nhấn học thuật đáng chú ý trong hội thảo là cụm 4 tham luận liên quan đến ngữ cảnh học tập, lý thuyết vùng phát triển gần nhất (ZPD), và khái niệm “giàn giáo” trong giảng dạy ngôn ngữ:

TS. Hồ Văn Hận với chủ đề tham luận: “Discussion on Linguistic Conventions and the Truth of Propositions” – đã đặt ra những vấn đề triết học ngôn ngữ xoay quanh tính chân lý và quy ước trong giao tiếp học thuật, giúp người học tiếp cận ngoại ngữ một cách phản biện hơn.

TS. Lữ Hư Giang (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) trình bày nghiên cứu: “Ngữ cảnh tình huống ngôn ngữ học xã hội trong dạy học ngoại ngữ: Từ hướng tiếp cận phương pháp đến thực tiễn dạy học”, đề xuất cách xây dựng môi trường học mang tính tương tác và cá nhân hoá cao, giúp người học tạo dựng mối liên kết sâu sắc hơn với ngôn ngữ mục tiêu.

NCS. Nguyễn Ngọc Tâm và Nguyễn Hoàng Phương (Trường ĐH KHXH&NV) với tham luận: “Khảo sát việc áp dụng khái niệm vùng phát triển gần nhất (ZPD) và phương pháp giàn giáo (Scaffolding) của Vygotsky trong giáo trình dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài như một ngoại ngữ”, đã mở rộng khái niệm của Vygotsky vào lớp học tiếng Việt dành cho người nước ngoài – một lĩnh vực đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

Một bài nghiên cứu khác “Ý nghĩa thê của chỉ số “đang” trong tiếng Việt và khái quát phương thức chuyển dịch sang tiếng Nhật” đến từ nhóm tác giả NCS Nguyễn Linh Tuấn (Trường ĐH KHXH&NV) và Phan Tuấn Ly (Trường ĐH Luật TP.HCM) tập trung vào ngôn ngữ học chức năng, khẳng định rằng ngoại ngữ không chỉ là công cụ toàn cầu hóa mà còn mang tính bản địa, văn hóa và khu vực. Người học ngoại ngữ – dù là tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai – đều đang nằm trong dòng chảy chung của một thế giới đa ngôn ngữ và đa công nghệ.

Phân tích diễn ngôn và học tập đa phương thức: Khi phim ảnh trở thành giáo trình mở rộng

“Multimodal Discourse in Romantic Film Trailers” là chủ đề tham luận cuối cùng – được thực hiện bởi nhóm tác giả – học viên cao học ngành Ngôn ngữ Anh – Trường ĐH Bình Dương gồm: Mai Hoàng Phương; Nguyễn Ngọc Giàu và Nguyễn Thị Ngọc Điệp, mang tính liên ngành cao giữa ngôn ngữ học, truyền thông và giáo dục. Tham luận phân tích cách các yếu tố hình ảnh, âm thanh và lời thoại được phối hợp để truyền tải nội dung và cảm xúc, từ đó đề xuất mô hình sử dụng trailer phim như một công cụ dạy học hiệu quả cho kỹ năng nghe – nói trong lớp ngoại ngữ. Giáo viên có thể áp dụng những yếu tố được đề cập trong tham luận như hình ảnh, âm thanh…để truyền tải kiến thức một cách mới mẻ và hiện đại hơn.

Tổng kết

Không chỉ là một diễn đàn khoa học, hội thảo là một mô hình thu nhỏ của lớp học thế kỷ 21, nơi mà giảng viên không chỉ trình bày mà còn lắng nghe, nơi sinh viên không chỉ tham dự mà còn phản biện và đặt câu hỏi. Sự hiện diện của cả giảng viên và sinh viên từ nhiều trường đại học trên toàn quốc càng nhấn mạnh mối liên kết giữa “dạy” và “học” – không tách rời, mà là hai mặt của cùng một tiến trình kiến tạo tri thức.

Qua 6 tham luận với các hướng tiếp cận phong phú, hội thảo đã chứng minh rằng tương lai của việc dạy và học ngoại ngữ không nằm ở việc thay thế con người bằng công nghệ, mà ở việc con người biết sử dụng công nghệ để nhân rộng khả năng tiếp cận, tương tác và phát triển năng lực ngôn ngữ của chính mình.

Bài viết liên quan

5 Trò Chơi Cải Thiện Kỹ Năng Nghe Cho Mọi Đối Tượng – Ứng Dụng AI
Hội thảo khoa học quốc gia 2025 về giảng dạy và học ngoại ngữ – Trường Đại học Bình Dương
5 phút thiế kế lesson plan với công cụ AI
5 Phút Thiết Kế Lesson Plan Với AI: Hướng Dẫn Dành Riêng Cho Giáo Viên Tiếng Anh Trẻ Em
Xử Lý Khéo Léo Các Tình Huống Thường Gặp Khi Giao Tiếp Với Phụ Huynh
Hoạt động kết nối giáo viên và phụ huynh học sinh
Các Hoạt Động Giúp Tăng Cường Mối Quan Hệ Giữa Giáo Viên Và Phụ Huynh Học Sinh
Cách xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh học sinh
Cách Xây Dựng Mối Quan Hệ Tốt Với Phụ Huynh Học Sinh
Cách nói chuyện với phụ huynh học sinh khi dạy Tiếng Anh trẻ em
Cách Nói Chuyện Với Phụ Huynh Học Sinh Khi Dạy Tiếng Anh Trẻ Em
5 Trang Web AI Tạo Trò Chơi Dạy Tiếng Anh Mới Nhất 2025