Những ngày học về sớm là giấc mơ của hầu hết các học sinh. Nhưng chúng thường rất phiền toái đối với giáo viên. Bạn vẫn muốn tận dụng tối đa thời gian trên lớp, muốn học sinh của mình học được điều gì đó, nhưng những tiết học ngắn có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Dưới đây là một số hoạt động nhanh mà bạn có thể áp dụng để tối ưu hóa sự nhiệt tình, tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của học sinh.
1. Dọn dẹp lớp học và bắt kịp bài
Cho học sinh một chút thời gian để dọn dẹp tập vở, đồ dùng học tập và balo. Yêu cầu các em xem lại các giấy tờ cũ, thu dọn và sắp xếp đồ đạc để rèn luyện tính tổ chức cho bản thân. Bạn cũng có thể mang ra vài dụng cụ vệ sinh để học sinh làm sạch và khử trùng lớp học, chẳng hạn như lau bàn làm việc, lau bảng, quét sàn, v.v. Nếu vẫn còn thời gian, hãy cho các em cơ hội ôn tập bắt kịp kiến thức cho một số môn học khác. Hãy đảm bảo cung cấp cho học sinh những việc khác nữa để làm. Đừng chỉ ngồi tán dóc sau khi hoàn thành công việc.
2. Viết thiệp cảm ơn
Hãy nhớ rằng trường học không chỉ dạy kiến thức. Học sinh cần học về tầm quan trọng của sự biết ơn và thể hiện điều đó. Hãy để học sinh viết một tấm thiệp cảm ơn cho bất kỳ ai các em muốn và đảm bảo rằng họ sẽ chuyển thiệp đến người nhận. Nếu bạn còn thời gian, hãy khuyến khích học sinh chia sẻ với cả lớp về việc họ đã viết thư cho ai và lời cảm ơn vì điều gì.
3. Những lời khen
Hãy yêu cầu học sinh viết tên lên đầu một tờ giấy và treo xung quanh phòng. Sau đó, cả lớp sẽ đi vòng quanh phòng và viết những lời khen ngợi lên giấy về học sinh có tên trên. Khi tất cả mọi người đã hoàn thành, hãy phát những trang đó cho học sinh có tên và để họ đọc lên những lời khen ngợi từ bạn cùng lớp. Điều này sẽ cực kỳ ý nghĩa đối với học sinh và là một cách tuyệt vời để động viên chúng sau một bài kiểm tra khó.
4. Bên này hay bên kia
Hãy phân phòng học ra thành hai phía. Một bên là “Đồng ý” và bên còn lại là “Không đồng ý”. Yêu cầu học sinh đứng dậy khỏi ghế và bắt đầu đọc những câu có thể gây bất đồng quan điểm, ví dụ như “Đồng phục là một ý tưởng tuyệt vời” hoặc “Học sinh nên đến trường quanh năm.” Bạn có thể chọn mức độ nghiêm trọng của vấn đề nếu muốn. Sau đó, yêu cầu học sinh giải thích ý kiến cho những bạn ở phía bên kia phòng. Đây là một trò chơi thú vị, đồng thời cũng là một cách tuyệt vời để khám phá các hiểu biết chính trị và cách hoạt động của bộ máy nhà nước.
5. Chơi board game
Mặc dù hoạt động này không quá mang tính giáo dục, nhưng học sinh có thể học được nhiều bài học quan trọng từ board game. Bên cạnh đó, nó mang lại cho các em cơ hội tương tác với các bạn cùng lứa tuổi. Hãy mang vào các trò chơi như Monopoly, Clue, Life Pictionary, Scrabble, hoặc bộ bài để học sinh thử sức!
5. Thử thách câu đố
Bạn hãy tìm và in ra các câu đố ô chữ, Sudoku, tìm từ, câu đố logic, v.v. Chia học sinh thành các nhóm nhỏ. Hãy để các em cạnh tranh xem ai có thể hoàn thành câu đố trước. Bạn có thể tự tổ chức một giải đấu nhỏ mà cuối cùng sẽ có một người chiến thắng. Học sinh luôn kiểu này. Và mặc dù chúng thường không quá khó, nhưng điểm cộng là chúng vẫn thử thách trí não và rèn giũa kỹ năng logic học sinh.
6. Chuyền tô
Ở hoạt động này, mỗi học sinh sẽ nhận được 2-4 mảnh giấy nhỏ. Học sinh viết gì đó lên mỗi mảnh, có thể là người, địa điểm hoặc sự vật. Đặt các mảnh giấy vào một cái tô. Sau đó, chia học sinh thành hai đội và chuyền tô theo vòng tròn quanh phòng. Đối với vòng đầu tiên, học sinh sẽ bốc một mảnh giấy và phải giải thích – mô tả những gì được viết trên đó. Trong 30 giây, các thành viên trong nhóm sẽ đoán càng nhiều thứ càng tốt. Tiếp tục trò chơi cho đến khi hết giấy.
Sau đó, cho các mảnh giấy vào lại tô và tiếp tục chơi vòng hai. Lần này học sinh phải diễn lại những gì viết trên giấy. Đối với vòng thứ ba, học sinh chỉ có quyền nói ra một từ để các thành viên khác đoán nội dung được viết. Đây là một trò chơi siêu thú vị để kiểm tra trí nhớ và khả năng sáng tạo của học sinh.
Quỳnh Anh lược dịch từ Teach TCI
Tham khảo các khóa học tại đây.