5 HOẠT ĐỘNG ĐỌC HIỂU ESL SÁNG TẠO MÀ HỌC SINH CỦA BẠN SẼ YÊU THÍCH

Học sinh ESL của bạn đôi khi gặp khó khăn trong việc đọc hiểu?

Và bạn bắt đầu cảm thấy có lỗi khi bắt các em làm những bài tập đọc hiểu khô khan?

Nhưng bạn lại không có thời gian để tìm tòi những cách thú vị hơn?

Đừng quá lo lắng vì dưới đây là năm hoạt động đọc hiểu thú vị, mà học sinh của bạn chắc chắn sẽ thích thú.

1. Đố vui bằng hình: Gấu nâu, Gấu nâu, Thấy gì nào?

Khi học sinh đọc xong một câu chuyện nào đó, dù đó là văn bản ngắn hay bài báo dài, hầu hết các hoạt động đọc hiểu thường giống như sau:

Sarah đã đến (bãi biển/ công viên). Ở đó, cô gặp một người bạn đã đến (lớp khoa học/ trại hè) hai năm trước.

Tuy nhiên, hãy làm cho mọi thứ trở nên màu sắc và sáng tạo hơn bằng cách loại bỏ việc sử dụng từ và câu. Thay vì cho học sinh hai phương án để điền vào chỗ trống; tại sao chúng ta không thử sử dụng tranh ảnh và nối nó lại?

Ví dụ như chúng ta hãy đánh dấu 4 bức hình là A, B, C và D. Hình A có thể là một bãi biển, B là một công viên, v.v. Sau đó, học sinh sẽ sắp xếp các bức tranh và viết từ vựng đó vào ô trống.

Ngoài ra, bạn có thể cho học sinh nối các dấu chấm tròn để liên kết những bức hình với các câu miêu tả liên quan đến nó. Hãy thử cho vào thêm những bức tranh không liên quan để thử thách học sinh.

Riddles - Safety week

2. Sắp xếp trình tự

Hãy sử dụng tranh ảnh để kể lại câu chuyện và giúp học sinh nhớ các nội dung chính, các nhân vật và sự kiện. Và đây là cách thực hiện:

In những bức hình được gắn nhãn với số hoặc chữ cái ra giấy. Chừa khoảng trống dưới các bức hình để học sinh chú thích nội dung câu chuyện vào. Tùy thuộc vào trình độ học sinh, bạn có thể điều chỉnh bài tập để luyện chính tả và xây dựng cấu trúc câu.

3. Dựng lại câu chuyện: It’s Alive!

Đây là một hoạt động tuyệt vời, đặc biệt là đối với những học sinh yêu thích phim ảnh. Hoạt động này bao gồm việc đọc văn bản/câu chuyện và diễn lại trước lớp.

Tùy thuộc vào trình độ của học sinh, bạn có thể cho cả lớp cùng nhau đọc câu chuyện trước khi chia học sinh thành các nhóm nhỏ để thảo luận.

Nếu bạn muốn học sinh tự tìm tòi cốt truyện bằng cách hiểu của riêng chúng, hãy đảm bảo rằng bạn chia đều học sinh với nhiều trình độ và khả năng khác nhau vào cùng một nhóm. Nói cách khác, không nên xếp tất cả những học sinh có học lực giỏi vào cùng một đội. Vì phân chia đồng đều có thể giúp các bạn khác cùng tiến bộ. Sau đó:

Bước 1. Tìm truyện ngắn và in chúng ra.
Bước 2. Chia học sinh thành các nhóm nhỏ và cung cấp cho mỗi nhóm một câu chuyện khác nhau mà các em cần diễn trước lớp.
Bước 3. Tự chuẩn bị hoặc yêu cầu học sinh chuẩn bị một danh sách các câu trả lời ngắn/ trắc nghiệm/ câu hỏi đúng sai. Bởi vì bên cạnh việc thu hút khán giả, còn cần phải đánh giá mức độ nắm bắt các sự kiện trong câu chuyện của học sinh.
Bước 4. Sau đó, khi học sinh đã có đủ thời gian để chuẩn bị kỹ, hãy bắt đầu biểu diễn!

Dạy cách làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp cho học sinh qua diễn kịch - Như Thế Nào.vn

4. Nguyên nhân – kết quả: Ai Giải Được Bí Ẩn?

Các câu hỏi về mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả giúp học sinh suy nghĩ rộng hơn và hiểu rõ hơn về tác động của các sự kiện. Các tài liệu văn bản có cốt truyện bí ẩn hoặc bối cảnh lịch sử là lựa chọn tuyệt vời; vì chúng yêu cầu học sinh phải hiểu bối cảnh của những chi tiết được ẩn giấu, manh mối cũng như các nhân vật để cảm nhận đầy đủ sự hồi hộp trong công cuộc điều tra tội phạm.

Đây là một vài ví dụ về cách phân tích vụ án:

(kết quả) Cô Webb có thể nhìn thấy phòng học → nó được chiếu sáng tốt (nguyên nhân).
(nguyên nhân) Cô Webb đã phá vỡ một cửa sổ nhỏ → để vào nhà. (kết quả)

Không quan trọng chúng ta sắp xếp thứ tự nguyên nhân – kết quả như thế nào. Mục đích là giúp học sinh chú ý đến các chi tiết trong truyện và biết cách phân tích thật hiệu quả.

5. Săn tìm kho báu!

Khi nghe đến các tài liệu đọc hiểu, truyện và truyện ngắn thường xuất hiện đầu tiên trong đầu chúng ta. Tuy nhiên; thầy cô có thể khám phá một số hoạt động sau để khuyến khích học sinh đọc và phát triển trong một môi trường vui vẻ.

Đọc hiểu và truy tìm kho báu:

Bước 1. Giấu các kho báu khác nhau (thẻ bài/ quả bóng nhỏ/ nón len, v,v.) trong lớp học hoặc sân trường.
Bước 2. Viết một câu chuyện ngắn và các manh mối chỉ nơi tìm thấy mỗi kho báu.
Bước 3. Chia học sinh theo nhóm và đưa cho các em một bản đồ và một tờ manh mối để xác định vị trí kho báu.

Bản đồ có thể được vẽ tay hoặc in. Đặt tên riêng cho các địa điểm cơ bản của lớp học/ sân trường để học sinh có thể định vị “khu rừng mưa” hoặc “hang tối” mà không bị lạc!

Manh mối nên bắt đầu bằng một văn bản ngắn mô tả một sự kiện có thật hoặc hư cấu trong quá khứ. Còn câu chuyện hãy bao gồm tên của các nhân vật; và mô tả sơ lược về các kho báu liên quan. Hãy điền đầy đủ các gợi ý, mật mã; và thậm chí cả những thông điệp bí mật vào phần còn lại của tờ manh mối để học sinh giải mã.

Nhóm đầu tiên tìm thấy kho báu sẽ thắng trò chơi. Nhưng các bạn ấy luôn được hoan nghênh khi tham gia các đội khác để cùng nhau giúp các bạn cũng tìm kho báu!

Luôn vui vẻ với phần Đọc hiểu

Chắc chắn, học sinh của bạn sẽ có những quãng thời gian mà các em đọc vì niềm yêu thích. Tuy nhiên; các hoạt động đọc hiểu sẽ tối đa hóa lợi ích của việc đọc bằng cách làm cho nó trở nên phù hợp hơn thông qua các biện pháp củng cố sáng tạo.

Hãy giúp học sinh cá nhân hóa “thông tin đọc” theo cách thức phù hợp và có ý nghĩa với những hoạt động đọc hiểu đầy thú vị.

Trong quá trình này, bạn sẽ có cơ hội để làm rõ những điểm các em chưa hiểu kỹ, thảo luận về những chỗ còn mơ hồ và nâng cao vốn từ vựng; kỹ năng sử dụng từ và cách giải thích của học sinh.

Biết đâu với một vài pha kịch tính, giải trí mà sáng tạo, học sinh của bạn sẽ “đọc” vui vẻ mãi mãi về sau đó!

Quỳnh Anh lược dịch từ FluentU

Tham khảo về các khóa học TESOL tại đây.