Nhiều giáo viên nhận thấy rằng học sinh vẫn rất rụt rè và ngại nói trong những buổi thảo luận nhóm.
Điều này là hết sức bình thường. Tuy nhiên, sự im lặng có thể khiến không khí lớp học trở nên vô cùng ngột ngạt. Khi bạn muốn học sinh phát biểu, hãy thử một trong những trò chơi đơn giản và thú vị sau đây:
1. Ném xúc xắc
Bạn có thể sử dụng trò chơi đơn giản này để giúp các em làm quen với nhau. Hoặc sử dụng nó như một hoạt động để hiểu học sinh mình hơn. Tất cả những gì bạn cần là một cục xúc xắc và sáu câu hỏi: câu hỏi gợi ra ý kiến, kinh nghiệm hoặc suy nghĩ cá nhân. Hãy sáng tạo và chọn những câu hỏi mà bạn muốn nghe học sinh của mình trả lời. Bạn hãy đánh số các câu hỏi và đưa cho học sinh xem. Sau đó, cho học sinh lần lượt ném xúc xắc. Các em ném ra số nào, đó sẽ là câu hỏi mà các em phải trả lời.
Bạn có thể thực hiện hoạt động này trong một lớp học, trong các nhóm nhỏ hơn hoặc như hoạt động thuyết trình trước lớp. Nếu sử dụng nó như một hoạt động thuyết trình, bạn nên yêu cầu học sinh chuẩn bị câu trả lời cho mỗi câu hỏi; xem như đây là bài tập về nhà và sau đó yêu cầu các em chia sẻ trước lớp sau khi học xong.
2. Bingo trải nghiệm
Bingo có lẽ là trò chơi không còn xa lạ gì với học sinh. Đơn giản chỉ cần lấy được năm số trong cùng một dòng. Bạn có thể sử dụng trò chơi này như một trò chơi tìm hiểu lẫn nhau. Cùng với lớp của bạn soạn ra một danh sách những trải nghiệm mà một người có thể có. Ví dụ:
Gone scuba diving (đi lặn biển)
Made a birthday cake (làm bánh sinh nhật)
Eaten sushi (ăn sushi)
Đây phải là những trải nghiệm tốt. Hãy cùng nhau thực hiện danh sách cho đến khi bạn có khoảng 30-40 trải nghiệm khác nhau. (Bạn cũng có thể tự soạn danh sách nếu thích.) Sau đó, đưa cho mỗi học sinh một bảng bingo trống (bảng 5×5) và yêu cầu các học sinh viết một kinh nghiệm vào mỗi ô. Sau đó, học sinh sẽ phải làm quen và nói chuyện với nhau để tìm ra những người có những trải nghiệm được ghi trên giấy. Nếu một học sinh tìm thấy ai đó, chẳng hạn, đã đi lặn biển, học sinh đó sẽ ký tên vào ô vuông nơi học sinh của bạn đã viết “scuba diving” trên bảng Bingo của mình. Người đầu tiên được năm người liên tiếp kí tên trên cùng một hàng sẽ la lên, “Bingo!”
3. Trò chơi vòng quay tính cách
Trò chơi này phù hợp nhất với những nhóm học sinh đã biết nhau từ trước. Đầu tiên, học sinh sẽ hoạt động theo nhóm để tạo một danh sách những tính cách mà con người có thể có (Cố gắng chọn những tính cách tốt). Bạn có thể bao gồm những đức tính như vị tha, rộng lượng, thích phiêu lưu. Sau đó viết những đức tính này lên những tờ giấy nhỏ và bỏ vào trong một cái túi. Mỗi học sinh sẽ lần lượt rút một tờ tính cách từ trong túi. Sau đó, học sinh đó phải đoán xem ai trong lớp sở hữu tính cách đó. Tất nhiên là nếu chỉ nói tên thôi thì không đủ. Người chơi phải kể một câu chuyện hoặc nêu một ví dụ để giải thích tại sao lại chọn người đó.
4. Mở đầu câu chuyện “Hot Potato”
Đầu tiên, để tăng tính phức tạp của trò chơi, bạn nên chuẩn bị một danh sách các câu dẫn dắt truyện. Học sinh sẽ chơi trong một nhóm nhỏ khoảng 5 người. Bạn sẽ sắp xếp các em ngồi theo vòng tròn. Có thể bắt đầu từ học sinh có sinh nhật gần nhất chẳng hạn; người đầu tiên sẽ nói câu dẫn truyện, tiếp theo người ngồi bên trái có nhiệm vụ kể tiếp câu chuyện đó bằng một câu nói khác.
Mọi người lần lượt chơi theo vòng tròn. Học sinh tiếp tục đi theo vòng tròn, thêm từng câu một cho đến khi nhạc dừng hoặc cho đến khi bạn đưa ra tín hiệu. Ai đang nói dở câu của mình hoặc đang loay hoay nghĩ một câu khác mà nhạc dừng lại sẽ bị loại khỏi trò chơi. Em đó phải rời khỏi vòng tròn. Sau đó, học sinh chơi vòng thứ hai bằng cách tiếp tục câu chuyện trước đó; hoặc bắt đầu câu chuyện mới. Khi bạn dừng nhạc, ai đang nói sẽ bị loại. Trò chơi tiếp tục cho đến vòng cuối cùng; người không nói khi nhạc dừng sẽ là người chiến thắng.
5. Tìm cộng sự
Chuẩn bị một mẩu giấy nhỏ cho từng học sinh trong lớp. Trên mỗi mẩu giấy sẽ có một từ, từ đó phải kết hợp được với một từ trên mẩu giấy khác. Ví dụ:
Fork & spoon ( Nĩa và muỗng)
Day & night (Ngày và đêm)
Bat & ball (Chày và bóng)
Table & Chairs (Bàn và ghế)
Gấp những mẩu giấy lại và đặt tất cả vào trong một chiếc mũ. Mỗi học sinh sẽ rút một mẩu giấy. Sau đó, học sinh sẽ phải di chuyển xung quanh lớp và nói chuyện với nhau để tìm đồng đội. Một khi hai người nghĩ mình là đồng đội của nhau, họ sẽ đến gặp bạn để hỏi xem họ đã đoán đúng chưa. Nếu họ chọn đúng, họ được ngồi xuống. Trò chơi tiếp tục đến khi tất cả mọi người đã tìm được đồng đội của mình. Sau đó, bạn yêu cầu mỗi cặp phải tạo ra một cặp từ mới đi chung với nhau. Lặp lại trò chơi với những cặp từ đó.
6. Trò chơi “Tìm và nói”
Để chuẩn bị cho trò chơi có nhịp độ nhanh này, hãy viết một số câu hỏi trên các tấm thẻ hoặc giấy ghi chú. Những câu hỏi này có thể là những câu hỏi làm quen, câu hỏi tìm hiểu hoặc câu hỏi sử dụng các từ vựng mới học. Trước khi học sinh của bạn đến, hãy giấu những thẻ này trong lớp học của bạn. Khi bắt đầu tiết học, chia học sinh của bạn thành hai đội.
Giải thích rằng bạn đã giấu những thẻ câu hỏi trong phòng. Học sinh sẽ phải tìm kiếm quanh phòng để tìm ra các thẻ mà bạn đã giấu. Họ chỉ có thể lấy một thẻ mỗi lần. Khi một học sinh tìm thấy thẻ, học sinh đó sẽ phải mang thẻ đến cho bạn và trả lời câu hỏi trên thẻ. Nếu học sinh đó trả lời đúng thì sẽ kiếm được thẻ cho đội của mình. Nếu không trả lời được, học sinh đó phải nhờ người khác trong nhóm của mình để giúp tìm câu trả lời. Khi học sinh đã trả lời đúng câu hỏi trên thẻ của họ, họ có thể tìm kiếm thẻ khác. Vào cuối trò chơi (sau một khoảng thời gian nhất định hoặc khi tất cả các thẻ đã được tìm thấy) đội nào sở hữu nhiều thẻ nhất sẽ thắng.
Trong lớp học ESL, việc ép buộc học sinh nói là không nên; thay vào đó hãy khiến hoạt động nói trở nên hấp dẫn. Những trò chơi này chỉ là một vài trong số những cách thú vị để giúp học sinh của bạn phát biểu và có một khoảng thời gian vui vẻ trong khi thực hành tiếng Anh của mình.
Phạm Hằng lược dịch từ Busy Teacher
Tham khảo các khóa học tại đây.