Các phong tục đặc trưng ở xứ người thường gây khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy tiếng Anh ở nước ngoài. Để không làm ảnh hưởng tới không khí của cả chuyến đi, học cách hòa nhập với dân địa phương về cách ăn nói, ăn uống, giờ giấc hay ứng xử trên bàn ăn là điều quan trọng. Khi ở nước ngoài hoặc làm việc với sinh viên nước ngoài ở phương Tây, ta thường gặp phải biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc. Mọi dân tộc đều có lòng yêu nước mãnh liệt, chỉ với một ngày kỷ niệm hằng năm, khi đối đầu với một quốc gia thù địch lâu đời, hoặc chỉ đơn giản là một câu nhận xét vu vơ, lòng tự tôn ấy lại trỗi dậy. Tôi sẽ trình bày một số phương pháp để giải quyết các tình huống khó xử này và để đảm bảo rằng giáo viên cư xử đúng mực.
THẤU HIỂU LÒNG YÊU NƯỚC QUA 5 BƯỚC
1. DÂN TỘC NÀO CŨNG MANG TRONG MÌNH LÒNG YÊU NƯỚC TIẾM TÀNG
Nếu bạn không am hiểu triết học thì mối quan hệ của con dân với Tổ quốc, lòng yêu nước, rất khó để cắt nghĩa. Mối liên kết của mỗi người đối với tinh thần dân tộc cũng như văn hóa của nước nhà đều chủ quan và độc đáo. Việc đem ra mổ xẻ lòng yêu nước của người khác chẳng khác nào chỉ trích đội bóng yêu thích của họ, hoặc hỏi tại sao họ thích McDonalds thay vì Burger King. Dù trong mắt người khác có là gì đi chăng nữa, điều quan trọng là lòng yêu nước rất chân thật và dần dà được hình thành trong quá trình khôn lớn, trong đó cha mẹ và giáo dục đóng vai trò to lớn. Và ở đây, cần lưu ý rằng chỉ trích niềm tin của người khác là chuyện không nên, đặc biệt đối với những người tôn trọng gốc gác. Dù bạn có đồng ý hay không, lòng yêu nước vẫn luôn tồn tại trong mỗi người.
2. QUỐC GIA NÀO CŨNG CÓ QUỐC CA
Trong buổi lễ chào cờ sáng thứ hai tại một trường đại học Trung Quốc nơi tôi làm việc, tôi cảm thấy buồn vì bài Quốc ca như đang cố gắng khơi gợi, gieo mầm cho lòng yêu nước nảy nở. Hát quốc ca và chào cờ chẳng khác nào tẩy não: tôi có cảm giác như những người trẻ tuổi ngây thơ đang bị tiêm nhiễm vào đầu lòng trung thành mãi mãi đối với đất nước độc tài. Sau đó, sau khi suy ngẫm một chút và nhìn bao quát sự việc, mọi quốc gia trên thế giới đều làm vậy. Ở các trường trung học Mỹ thì có hàng ngàn lời nguyện trung thành (Pledge of Allegiance). Ở Anh thì có bài hát ‘God Save the Queen’ (Thượng đế hãy phù hộ cho nữ hoàng) tại các sự kiện thể thao hoặc liên hoan nhạc giao hưởng The Last Night Of The Proms. Từ Albania đến Zambia, chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước rất sâu đậm – một phần là niềm tự hào dân tộc chính thống, một số khác thì lại cực đoan – trở thành nét văn hoá lâu đời và bền bỉ nhất của con người. Nghĩ xấu về một đất nước chỉ vì nét đặc trưng văn hóa của riêng quốc gia đó đồng nghĩa với phớt lờ xu hướng toàn cầu có từ cổ đại này.
3. TÍNH XÁC THỰC CỦA SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Đối với những người có ý nghĩ rằng cuộc chiến của thế kỷ 14 là một mốc lịch sử quan trọng, chúng ta không thể nào đồng cảm được. Chủ quyền một hòn đảo nhỏ bé ở đâu đó Thái Bình Dương đối với người ngoài thì chẳng là gì cả, nhưng đối với những người lớn lên giữa cuộc tranh chấp thì lại đặc biệt quan trọng. Lịch sử có từ lâu đời thường đọng lại trong tim của người đương thời. Ngay cả khi các chi tiết của sự kiện lịch sử đó rất thiếu thực tế, hoặc thậm chí không bao giờ có thể xảy ra – bạn vẫn nên tôn trọng quan điểm của học sinh. Bác bỏ khẳng định rằng tổ tiên của học sinh đã phát minh ra khái niệm về vĩ độ, hoặc đại số, hoặc tên lửa sớm nhất, cũng giống như ai đó vu khống Thomas Jefferson và Winston Churchill là lừa đảo và gian lận. Tất nhiên bạn cũng sẽ bị xúc phạm giống như học trò của mình vậy. Cố gắng bắt bẻ học sinh chỉ làm quan hệ thầy trò rạn nứt.
4. THẾ LỰC ĐEN TỐI KHÔNG HẲN LÀ XẤU XA
Chủ nghĩa quốc gia và thao túng độc tài rất dễ nhầm lẫn với nhau. Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình cảm chân thành đối với cảnh quan, nghệ thuật và ngôn ngữ nước nhà. Tôi thừa nhận muốn Anh Quốc thành công về chính trị, nhưng tôi không có sự nhiệt tình nào cho sự thống trị quân sự của Đế quốc – tôi đề cao khoan dung và công bằng, và tình yêu đối với miền quê nước Anh, đặc biệt là các quán rượu ở đây. Hơn nữa, lòng yêu nước của một người không song song với việc mong muốn quốc gia mình thống trị thế giới, mặc dù đôi khi ta sẽ bắt gặp thiểu số với ý kiến trái chiều. Nhưng thông thường, mọi người thích cạnh tranh để cùng phát triển hơn. Trong trường hợp nước Anh quê tôi, tôi có thể ca ngợi hệ thống pháp luật và Nghị Viện Anh, nhưng sẽ không nghĩ đến việc áp đặt thực phẩm truyền thống của Anh lên thế giới.
Cũng cần lưu ý rằng chủ nghĩa dân tộc, mặc dù còn sai sót, đóng vai trò như một chất keo quan trọng kết dính khối đoàn kết quốc gia: Trung Quốc hiện đại sẽ không tồn tại mà thiếu đại đoàn kết dân tộc, và phép màu kinh tế vực dậy hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo cũng sẽ không thành hiện thực nếu thiếu lòng yêu nước nồng nàn của bốn thế hệ.
5. CẨN TRỌNG BÀY TỎ QUAN ĐIỂM
“Tôi sẽ cho bọn học sinh này thấy vị trí thực sự của chúng trên thế giới. Không đời nào tôi dành cả năm ở đây chịu đựng cái lối suy nghĩ này. Chúng nó cần phải bớt kiêu ngạo đi.”
Nếu bạn nhận thấy mình đang có suy nghĩ như thế này, hãy dừng lại và ngẫm nghĩ. Là một giáo viên ESL, nhiệm vụ của bạn không phải là chỉnh đốn lòng yêu nước của học sinh, hoặc trách mắng quan điểm của người khác, mà là cung cấp một môi trường học ngôn ngữ thoải mái và vui vẻ. Các giáo viên trẻ tuổi thường muốn dạy dỗ học trò những điều đúng đắn, đặc biệt chủ nghĩa dân tộc và những quan điểm lịch sử thường sai lệch với những gì được dạy ở phương tây. Về các quan niệm sai, thường học sinh sẽ tự sửa khi vào Đại học, đọc nhiều sách và mở mang tầm mắt. Dội một gáo nước lạnh vào “ngọn lửa” yêu nước của học sinh hoàn toàn không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Tôi khuyên bạn nên khéo léo xử trí những vấn đề nhạy cảm dễ gây mất hòa khí này.
TÔI CHO RẰNG, VÀ TÔI HY VỌNG BẠN CŨNG ĐỒNG TÌNH RẰNG MỌI SO SÁNH GIỮA CÁC QUỐC GIA VỚI NHAU ĐỀU LÀ KHẬP KHIỄNG
Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có nét đặc trưng rất riêng và đáng được tôn trọng, mọi so sánh đều không công bằng và khó tránh có sự thiên vị. Tôi thường tự hỏi, liệu ta có nên chỉnh đốn người khác về một sự kiện xa vời nào đó trong lịch sử mà thậm chí bản thân còn không biết thực hư? Liệu tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng người Anh hùng mạnh hơn người Pháp chỉ dựa trên kết quả Trận chiến Trafalgar? Tất nhiên là không. Tuy nhiên, nhiều học sinh được dạy dỗ như vậy, và công việc của chúng ta là nhẹ nhàng hướng dẫn các bạn hiểu rõ hơn về cả hai sự thật và những liên kết mạnh mẽ, sâu sắc kết nối các quốc gia trên thế giới.