MƠ HỒ TRONG HỌC TẬP

Tôi ghét việc phải tỏ ra mình là một vị giáo sư già và khó tính do sẽ gây xa cách đối với học trò, nhưng tôi nhận thấy giữa sinh viên đại học ngày nay và thời của tôi hồi đó càng ngày càng có khoảng cách thế hệ.

Ngày nay, điều đáng chú ý nhất là sinh viên có xu hướng coi chương trình đại học như là một món hàng được bỏ tiền ra mua và chất lượng của chương trình học cũng như điểm số mỗi cá nhân là nhiệm vụ của giáo viên. Nguyên do của thái độ “khách hàng” này là nhu cầu cần phải được chỉ bảo chính xác những gì cần làm nhằm đạt được điểm số và thành tích như mơ. Tư tưởng này kéo theo nhiều xu hướng: ví dụ, hi vọng được cung cấp “nguyên liệu” chi tiết cho mỗi một dự án dù đã được giải thích rất kĩ yêu cầu cần đạt và tầm quan trọng với điểm số tổng kết.

Trong quá trình giảng dạy, một vài năm trước tôi từng có một học viên trình độ đã tốt nghiệp đại học luôn cho rằng cô ấy “không hiểu” cần phải làm gì trong bài tập “webquest”. Bài tập webquest yêu cầu học sinh tham khảo nhiều trang web liên quan đến bài tập, thu thập thông tin để điều tra một vấn đề. Nói cách khác, đây là một bài tập nghiên cứu kết hợp với thu thập dữ liệu trực tuyến. Vấn đề ở đây không phải là việc học viên không hiểu mà là hầu hết học sinh chưa từng có kinh nghiệm với loại bài tập này. Đoán trước được những điều chúng bối rối nên tôi đã cung cấp một danh sách hướng dẫn cụ thể về cách hoàn thành dự án. Và bởi vì người học vẫn còn thắc mắc nên tôi còn cung cấp một bài mẫu từ việc nghiên cứu webquest của tôi về vấn đề hiệu quả của việc viết portfolios (tạm dịch: Bộ sưu tập tài liệu học). Vấn đề dai dẳng là học viên vẫn không biết phải làm gì, hàm ý rằng đó là lỗi của tôi vì đã “không giải thích kĩ”. Sau đó, tôi đành phải hỏi chủ đề cô ấy chọn và thậm chí hoàn thành luôn bước đầu tiên. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng cô học viên này vẫn cho là bài luận “gây khó hiểu” với ngụ ý muốn bài tập này cần phải bị loại bỏ nhằm đạt được thành tích học tập như mong muốn.

Đó là điều không tránh khỏi, tuy nhiên, mơ hồ là một phần của giáo dục, thậm chí còn là một yếu tố cần thiết. Sự phát triển kĩ năng tư duy phản biện một cách tự nhiên bao gồm việc học những tư liệu mà lúc đầu có thể gây khó hiểu và đòi hỏi sự chủ động cùng tự giác học tập nhằm viết nên bài luận, làm nên một dự án của riêng mỗi người, không lấy mẫu hay sao chép từ người khác. Học sinh nên vào lớp học với tâm thế rằng sẽ ít nhiều cảm thấy mơ hồ cũng như không thể nào hiểu bài ngập lập tức, và người giáo viên sẽ hướng dẫn người học chấp nhận điều đó.

Khám phá những bước giúp học sinh chấp nhận sự mơ hồ trong học tập

1. Bắt đầu khóa học với hướng dẫn đầy đủ nhưng từ từ không cần hướng dẫn nữa

Bắt đầu với hướng dẫn rõ ràng về tài liệu nhưng từ từ chuyển đổi vai trò kiểm soát quá trình học tập cho học sinh là một phương pháp giảng dạy truyền thống mang tên “scaffolding” (phương pháp nâng đỡ). Điều đó có nghĩa là giáo sư sẽ cung cấp hỗ trợ tạm thời tùy năng lực của học sinh. Đối với webquest, hướng dẫn cụ thể, ví dụ và làm mẫu một phần bài luận đều là những “nâng đỡ” tạm thời mà giáo viên cần phải cung cấp, đặc biệt đối với những chủ đề không quen thuộc. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là tạm thời. Học sinh được mong đợi phải chủ động tham gia vào quá trình học tập ngay từ đầu để phát triển và tiến bộ một cách độc lập. Tuy nhiên, một vấn đề xảy đến là khi học sinh “từ bỏ” và giao mọi quyền kiểm soát cho giáo viên. Giáo viên lúc này nên mạnh mẽ loại bỏ thái độ tiêu cực đó. Giảng giải “quá nhiều” sẽ làm cho người học thụ động và không hiểu cặn kẽ tài liệu. Do đó, khi nhận thấy học sinh đã bắt đầu hiểu bài, giáo viên nên hạn chế giúp đỡ.

2. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự hoàn thành bài tập, không sao chép, không hướng dẫn.

Ngoài mong muốn được cung cấp hướng dẫn chi tiết là mong muốn được cung cấp “ví dụ”: học sinh muốn được tham khảo hầu hết các dạng bài tập, từ bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu cho đến bình luận báo chí. Một lần nữa, trong số những phương pháp dạy học hiệu quả, sử dụng quá nhiều ví dụ lại làm nảy sinh vấn đề. Ví dụ không phải lúc nào cũng cần thiết, đặc biệt đối với những bài tập quen thuộc. Tuy giáo viên hướng dẫn không nên tự cho rằng tất cả các học sinh đều đã biết về webquest, nhưng chắc hẳn ai cũng biết chính xác một đoạn văn bản trông như thế nào. Quá nhiều bài mẫu chồng chất cũng tạo nên gánh nặng lên vai người hướng dẫn, vì không phải bài tập nào của học viên cũng theo bài mẫu, mà bài mẫu của giáo viên thường do người khác viết ra. Do chênh lệch trình độ giữa giáo viên và học sinh, các ví dụ mẫu của giáo viên sẽ có phần gượng ép khi được đưa vào bài của học sinh. Dĩ nhiên cũng khó tránh khỏi vấn đề đạo văn. Nếu bài mẫu quá giống với đề tài mà học sinh được yêu cầu hoàn tất, khả năng cao chúng sẽ sao chép lại bài mẫu. Cho nên, giáo viên không cần phải đáp ứng tất cả các yêu cầu đề bài ngay trong bài mẫu. Ngoài ra, giải thích về đạo văn và mức độ nghiêm trọng khi vi phạm là điều cần thiết.

3. Hãy dạy học sinh cách tiếp cận chủ đề và tự làm bài nghiên cứu.

Vấn đề quan trọng đằng sau nhu cầu được hướng dẫn rõ ràng về cách làm bài là sự nhầm lẫn của học sinh rằng chúng chẳng có gì độc đáo cũng như giá trị để viết. Quan niệm đó thật sự là sai lầm: hầu hết mọi người đều có niềm yêu thích rất riêng và những thứ quý giá để chia sẻ. Do đó, nên rộng rãi hơn trong khâu lựa chọn chủ đề. Tôi từng dạy qua những học sinh nghiên cứu về các chủ đề “không liên quan đến học thuật” như quá trình tuyển cầu thủ chuyên nghiệp hay các chủ đề gây tranh cãi như liệu việc giáo dục đại học có đáng để đầu tư hay không. Việc cho phép lựa chọn chủ đề yêu thích không những giúp giảm khả năng đạo văn mà còn gia tăng sự chú tâm học hành. Học sinh sẽ đầu tư nhiều hơn cho đề tài, sẽ làm việc siêng năng hơn, học hỏi nhiều hơn và gặt hái thành tích tốt hơn.

4. Thảo luận về bản chất của giáo dục đại học và vai trò của giảng viên

Thỉnh thoảng trong quá trình học, thường là vào đầu khóa, sinh viên sẽ bắt đầu hỏi tại sao. Tại sao giảng viên lại không hướng dẫn chính xác những gì phải làm, làm như thế nào? Giáo viên trông đợi gì ở học trò? Tại sao giảng viên không làm việc của mình? Đây chính là lúc để thảo luận về bản chất của giáo dục đại học. Việc hướng dẫn cặn kẽ chính xác những gì sinh viên phải làm là đã làm giúp sinh viên phần lớn công việc. Mỗi người học lẽ ra nên tự vật lộn với tài liệu dù họ có cảm thấy bực bội, chán nản hay cảm thấy mơ hồ. Bởi vì, học tập là phải như vậy. Để giải quyết những vấn đề này, người học nên bắt đầu phát triển kĩ năng tư duy phân tích, bao gồm việc tìm kiếm thông tin, ví dụ như muốn nghiên cứu cái gì và cách tìm câu trả lời cho các câu hỏi. Kiểm soát toàn bộ quá trình học đồng nghĩa với việc tước đoạt cơ hội trải nghiệm của học sinh đối với nền giáo dục mà họ phải trả tiền cho tôi – một giáo viên (học sinh chính là “khách hàng” của trường học. Học trò vẫn thường nhắc nhở tôi như thế).

Tôi mong đợi điều gì? Thật sự câu trả lời là tôi cũng không biết. Thành quả mà sinh viên nhận được hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Và thường là tôi vừa ngạc nhiên vừa hài lòng.

HORIZON TESOL lược dịch

Nguồn: You the super teacher.

Tìm hiểu thêm khóa đào tạo kỹ năng giảng dạy tiếng Anh tại đây.